20 triệu cho hơn 1.000 gốc đào thiệt hại
Liên quan việc thi công tuyến đường 401 đoạn qua xã Đại Đồng (Kiến Thụy, TP Hải Phòng), thông tin với PV VTC News, ông Phạm Chiến Thắng – Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, thống kê sơ bộ, có 1.245 gốc đào thiệt hại được trồng trên diện tích 12.456m2.
Cũng theo ông Thắng, tuyến đường 401 đoạn từ xã Minh Tân (Kiến Thụy) tới xã Đại Đồng nằm trong nguồn vốn hành chính sự nghiệp. Quá trình thi công đường không được cấm các xe, phương tiện lưu thông.
Hơn 1.000 cây đào bị bụi làm đường phủ trắng xóa, khó có thể bung hoa dịp Tết.
Sau khi có đơn phản ánh của người dân về việc bụi thi công đường bám vào hơn 1.000 cây đào khiến nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ "mất trắng", chính quyền địa phương có báo cáo gửi UBND huyện Kiến Thụy. Đồng thời, cán bộ xã 2 lần đi thực tế tại khu vực trồng đào của dân bị thiệt hại để cùng người dân tập trung khắc phục hậu quả.
“Chính quyền địa phương với vai trò kết nối người dân với chủ đầu tư, đơn vị thi công để đưa ra phương án tốt nhất hỗ trợ người dân, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi các hộ trồng đào chịu ảnh hưởng bởi tuyến đường thi công. Tuy nhiên, hiện các hộ dân không đồng ý phương án phun nước rửa cây”, ông Thắng nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, các hộ dân có cây đào bị ảnh hưởng do bụi đường đã 2 lần tiếp xúc với chính quyền xã Đại Đồng cùng đơn vị thi công (Công ty TNHH Hoàng Hưng), chủ đầu tư công trình đường 401 (Hạt Quản lý đường bộ huyện Kiến Thụy).
Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi cho 10 hộ dân thôn Đức Phong (xã Đại Đồng).
Ông Nguyễn Đức Khu xin lỗi người dân về sự cố bụi thi công đường 401 làm ảnh hưởng tới hơn 1.000 gốc đào.
Ông Nguyễn Đức Khu – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng cho biết, tuyến đường 401 là dự án đường dân sinh nên không được bồi thường. Cá nhân ông sẽ "ủng hộ" 10 hộ dân có hơn 1.000 gốc đào thiệt hại tổng số tiền 20 triệu đồng.
“Về sự việc này, trước hết tôi xin lỗi người dân. Tôi sẽ đồng hành cùng dân nhưng trong khuôn khổ hợp lý, hợp tình. Mỗi bên chịu thiệt một chút vì chúng ta không chỉ thấy cái thiệt hại trước mắt, phải tính tới lâu dài, tới câu chuyện của nhiều năm sau. Con đường này hoàn thành sẽ thu hút rất nhiều người tới mua đào”, ông Khu nói.
Đề nghị dừng việc làm đường
Tuy nhiên, ý kiến này của Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng vấp phải sự phản đối của các hộ dân.
Cụ thể, ông Hoàng Văn Hợi (thôn Đức Phong) cho biết: "Chủ đầu tư đưa ra phương án phun nước để rửa sạch đào. Điều này không thể được vì từ tháng 8 tới nay chúng tôi hãm đào, tránh nước để đúng dịp Tết cây cho ra hoa. Chính vì thế, việc phun nước sẽ khiến đào nở bung trước Tết, không bán được. Người chịu thiệt hại vẫn là nông dân".
Đồng thời, ông Hợi lý giải, gia đình ông phải đi vay tiền trồng đào. Vợ ông bị bệnh ung thư suốt 6 năm trời và mất 2 năm trước, một mình ông chăm sóc hai người con ăn học. Nguồn kinh phí gia đình chỉ trông chờ vào gần 100 gốc đào. Năm nay “trắng tay”, chủ đơn vị thi công "ủng hộ" mỗi gia đình 2 triệu đồng, không thấm vào đâu so với món nợ ông đang gánh, chưa kể tiền nhân công, tiền phân bón.
“Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư, đơn vị thi công họp bàn thống nhất hỗ trợ dân để chúng tôi không thiệt thòi, vì mỗi cây đào có giá bán từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Trường hợp không thống nhất được, chúng tôi đề nghị dừng việc làm đường để bà con tự khắc phục, khi khắc phục xong, đào bán được sẽ báo chủ đầu tư để tiếp tục thi công”, ông Hợi nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Hợi rất bức xúc trước việc vườn đào nhà mình "mất trắng" nhưng không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng.
Ông Hoàng Văn Hoạt (61 tuổi, thôn Đức Phong) cũng chia sẻ, gia đình ông có gần 200 gốc đào Tết, quá nửa số đó được trồng gần tuyến đường thi công, bụi phủ trắng xóa. Bản thân ông thử phương án tưới nước "cứu" đào, xong lớp bụi bám chặt như xi măng nên không thể sạch được.
Ông Hoạt cho rằng do ngay từ những ngày đầu thi công tuyến đường, đơn vị thi công không có biện pháp chống bụi, bảo vệ cây trồng cho dân nên mới xảy ra sự cố ngày hôm nay.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Vũ Văn Hinh – Bí thư chi bộ thôn Đức Phong nhấn mạnh: “Chúng tôi có ý kiến rất nhiều về việc làm đường bụi ảnh hưởng tới cây đào. Giá như chúng ta có động thái ngay từ đầu chắc chắn cây đào không bị thiệt hại nặng nề.
Khi thiệt hại quá lớn, đào đến lúc thu hoạch mới vào cuộc thì quá chậm. Vấn đề lớn nhất hiện nay, các bên cần bàn cách khắc phục và đi tới tiếng nói chung, xem số lượng bao nhiêu mất trắng, số lượng bao nhiêu bị thiệt hại có thể khắc phục được, để lên phương án hỗ trợ dân có thu nhập khi ngày Tết cận kề”.
Lớp bụi đường bám trên thân cây chặt như xi măng.
Trả lời PV VTC News, ông Vũ Anh Dương – Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ huyện Kiến Thụy thông tin, đơn vị đã khảo sát thực tế tại vườn đào người dân phản ánh bị bụi làm đường 401 bám.
"Sự việc xảy ra lần này là khách quan. Chúng tôi có hướng phun nước rửa bụi cây đào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc phun nước sẽ làm đào ra hoa sớm nên người dân chưa đồng ý", ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, việc làm đường 401 qua xã Đại Đồng chậm tiến độ vì liên quan tới việc giải phóng mặt bằng.