"Chúng tôi đã lên lịch cho một cuộc họp của Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của WHO để thảo luận về việc đưa ra các khuyến nghị chính sách vào ngày 8/2", một quan chức của SAGE cho hay.
Nhiều nước đã phê duyệt vaccine của AstraZeneca và đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi hãng dược Anh-Thụy Điển khẳng định vaccine của họ có hiệu quả cao trong việc chống lại COVID-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng như khuyến cáo gần đây từ các chuyên gia khoa học trên thế giới khiến nhiều quốc gia bắt đầu nghi ngại.
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: ITN)
Mới đây nhất, Nam Phi thông báo dừng việc triển khai vaccine của AstraZeneca sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine này ít có hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của SARS-CoV-2.
Theo đó, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize thông báo rằng nước này sẽ loại bỏ vaccine của AstraZeneca khỏi chương trình tiêm chủng sau khi tham khảo khuyến cáo từ các nhà khoa học.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine này chỉ cung cấp hiệu quả tối thiểu với biến thể COVID-19 xuất hiện ở Nam Phi, còn được biết tới là 501Y.V2 hay B.1.351, vốn chứa đột biến N501Y khiến dịch bệnh này dễ lây lan hơn so với chủng virus ban đầu.
Không lâu sau quyết định của Nam Phi, một quan chức y tế cấp cao của Anh khẳng định không có bằng chứng nào về việc vaccine của Astrazeneca không hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 khiến người bệnh phải nhập viện điều trị hoặc nguy cơ thiệt mạng.
Hiện tại, các thông tin về hiệu quả của vaccine AstraZeneca với COVID-19 còn khá rối.
Hồi cuối tháng 11, AstraZeneca cho rằng vaccine của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Tuy nhiên, chế độ có hiệu quả 90% bao gồm dùng trước nửa liều và sau đó dùng một liều đầy đủ, cách nhau ít nhất một tháng. Hiệu quả giảm xuống còn 62% khi tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng.
Trong tuyên bố hôm 5/2, Đại học Oxford và AstraZeneca thông báo vaccine COVID-19 do họ hợp tác sản xuất hiệu quả 75% khi gặp biến thể B.1.1.7 của Anh.
Tuy nhiên, với biến thể Nam Phi, Oxford và AstraZeneca cho biết họ đã bắt đầu điều chỉnh vaccine chống lại biến thể này và sẽ có kết quả nhanh chóng thông qua quá trình phát triển lâm sàng để sẵn sàng cho việc giao hàng vào mùa thu nếu cần.
Ngoài vấn đề đối phó với các biến chủng, nhiều nước lo ngại vaccine của AstraZeneca không có hiệu quả với đối tượng trên 65 tuổi.
Ủy ban Vaccine thuộc Viện Robert Koch (STIKO) của Đức hồi cuối tháng 1 khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi dù hãng dược này trước đó bác thông tin nói vaccine của mình không hiệu quả với người trên 65 tuổi.
Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc mới đây cũng đưa ra khuyến cáo tương tự.
Trong khi đó, Hội đồng Y tế Hà Lan thông báo do chức năng của hệ miễn dịch giảm khi độ tuổi cao dần nên hội đồng này nhận định vaccine của AstraZeneca phù hợp hơn với người dưới 65 tuổi. Hội đồng trên lưu ý hiệu quả của vaccine với những người trên 55 tuổi cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Một số quốc gia khác như Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển cũng giới hạn độ tuổi tiêm vaccine của AstraZeneca.