Theo nghiên cứu đăng tải tên tạp chí Nghiên cứu và chăm sóc bệnh tiểu đường, nếu phụ nữ làm việc ít giờ hơn, nó sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu được thực hiện trên 7.065 người tại Canada trong vòng 12 năm. Khi theo dõi những người phụ nữ này, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận: những người làm việc hơn 45 tiếng/tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 63% so với những người làm việc từ 35 - 40 giờ/tuần.
Tỷ lệ mắc căn bệnh này chỉ giảm nhẹ khi người phụ nữ không hút thuốc, chăm tập thể dục, tránh xa rượu. Tuy nhiên, những người đàn ông làm việc nhiều giờ hơn thì lại không mắc các căn bệnh này. Theo lý giải của các nhà khoa học, vì phụ nữ luôn nghĩ đến những công việc mà họ chưa làm trong thời gian nghỉ, vì vậy mà họ dễ bị căng thẳng.
Căng thẳng làm cho nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gia tăng (Ảnh: CNN)
"Căng thẳng làm ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bạn. Ngay cả khi đàn ông và phụ nữ làm công việc tương tự, phụ nữ vẫn kiếm được ít tiền hơn nhiều. Và điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ. Hãy suy nghĩ về sự căng thẳng của sự làm việc chăm chỉ hơn và việc bạn nhận được ít hơn so với công sức mà bạn bỏ ra" - đồng tác giả nghiên cứu Mahee Gilbert-Ouimet, một nghiên cứu sinh tại Đại học Toronto, người đã hoạt động trong lĩnh vực này trong 12 năm cho biết.
Mặc dù một số điều trong nghiên cứu này còn gây tranh cãi, nhưng nó góp phần chỉ ra mối liên hệ giữa công việc quá mức và bệnh tiểu đường. Mặt khác, một nghiên cứu năm 2016 ở Nhật Bản cũng cho thấy một mối liên hệ giữa nguy cơ đái tháo đường và những công nhân đã làm việc hơn 45 giờ. Một nghiên cứu khác vào năm 2006 cũng chỉ ra điều tương tự.
Làm việc nhiều giờ có thể có nhiều hậu quả sức khỏe tiêu cực khác, bao gồm các vấn đề về tim, nghiên cứu cho thấy. Orfeu Buxton, một giáo sư về sức khỏe sinh học ở Penn State, không tham gia vào nghiên cứu mới nhưng đã thực hiện nghiên cứu tương tự, cho biết một yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ này là khi phụ nữ làm việc rất nhiều, ngoài những căng thẳng trong nhiều giờ, họ còn có ít thời gian hơn để tự chăm sóc bản thân.
Họ có thể không có một chế độ ăn uống tốt, có thể bỏ tập thể dục và có thể không ngủ đủ giấc nếu họ chỉ tập trung hoàn thành công việc. Các nghiên cứu khác cũng chứng minh điều này là đúng. "Điều này nên được truyền bá tới các tập đoàn, những người hàng ngày vắt kiệt sức lao động và, những người chi tiền để chăm sóc sức khỏe mà vẫn không khỏe", Buxton nói.
Những văn phòng làm việc vẫn còn sáng khi đêm về, nhưng người làm việc chăm chỉ không nhận được những gì xứng đáng với sự chăm chỉ của họ (Ảnh: CNN)
Bên cạnh đó, phụ nữ có tỷ lệ mất ngủ cao hơn và điều đó cũng có thể giải thích một số khác biệt về giới trong nghiên cứu mới. Ông cho biết nghiên cứu này rất hữu ích và hy vọng sẽ nghiên cứu thêm về chủ đề này. "Bệnh tiểu đường bây giờ đã trở thành căn bệnh phổ biến, chữa trị rất đắt tiền, và nó là một kẻ giết người thầm lặng. Chúng tôi thực sự cần phải hiểu các yếu tố bên cạnh y học và điều trị mà chúng ta có thể can thiệp để ngăn ngừa bệnh tiểu đường", Buxton nói.
Bệnh tiểu đường sẽ là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế thế giới. Đến năm 2030, ước tính có khoảng 439 triệu người sẽ sống với bệnh tiểu đường, tăng 50% so với số người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2010.
Video: Bộ Tài chính tăng thuế nước ngọt vì sức khỏe nhân dân?