Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức

(VTC News) -

Những nỗ lực hội nhập của Việt Nam tạo ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế, đồng thời đặt ra thách thức đòi hỏi đổi mới chính sách và cơ chế để thu hút nhà đầu tư.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019.

Dù vốn FDI có dấu hiệu chững lại do COVID-19, song theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch nếu Việt Nam cạnh tranh được với những điểm đến hấp dẫn khác. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần có những đổi mới về chính sách và cơ chế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức ngày 23/6 vừa qua, Hà Nội đón 17,6 tỷ USD đầu tư vào 229 dự án, đồng thời ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội.

Trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án tại Hội nghị

Tuy nhiên, để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước mới là quan trọng, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư thế hệ mới cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh nổi bật như tính ổn định vể chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, chính phủ đổi mới, lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là một số quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistic chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ: “Để thu hút đầu tư hiệu quả, Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn”. Bà Virginia B. Foote cũng cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao việc thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”.

Chúng tôi tin tưởng, với sự nỗ lực của Thành phố, cùng xu hướng tăng cường hợp tác ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được các nguồn lực đầu tư và phát triển”, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh.

Giải pháp quản lý giao dịch liên kết hiệu quả

Để quản lý vấn đề này hiệu quả, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho biết, cần phải có một ngân hàng giá nhằm giám sát các doanh nghiệp kê khai giá không đúng và yêu cầu kê khai lại hay kê khai theo giá thị trường. Ngoài ra phải có các chuyên gia có hiểu biết sâu sắc và các hệ thống dữ liệu để tra cứu.

Ngoài ra chúng ta phải áp dụng APA (thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế) để từ đó có sự thống nhất về giá với những mặt hàng mà Việt Nam chưa có hoặc với những giao dịch liên kết để giảm thiểu hoạt động chuyển giá.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần kiểm soát để đảm bảo giảm bớt hành vi lách thuế bằng cách hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, đồng thời tăng cường năng lực của các cán bộ làm công tác thuế để đánh giá được hành vi nào là hành vi sai trái và củng cố hệ thống công nghệ thông tin để khâu quản lý được công khai minh bạch hơn.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, những sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề giao dịch liên kết ở Việt Nam cũng cần được thực hiện theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế, tạo cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh những quy định gây cản trở sự phát triển, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp để tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư, thu hút làn sóng FDI.

Minh Anh

Tin mới