Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hội nghị cấp cao ASEAN: Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực chia sẻ trách nhiệm

(VTC News) -

Việt Nam cam kết cùng ASEAN nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng.

Sáng nay (26/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác, Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến.

Đây là chuỗi các sự kiến cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN trong năm; là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm mà Thủ tướng Chính phủ tham dự sau khi Việt Nam có Ban lãnh đạo mới sau Đại hội XIII; là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Đại diện Việt Nam trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2021 cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam.

Đóng góp chủ động

Tính đến năm 2021, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tròn 26 năm. Trong suốt hành trình kéo dài hơn 1/4 thế kỷ ấy, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên – như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từng khẳng định: Có ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.

Việt Nam đã chủ động, tích cực và có trách nhiệm khi tham gia vào các công việc của ASEAN trong đó có xây dựng thể chế cho ASEAN như Hiến chương ASEAN (2008), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Kế hoạch Tổng thể 2009, 2015 và 2025, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, 2025 và xa hơn …và  triển khai toàn diện cả ba trụ cột Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (7/2000-7/2001), Chủ tịch ASEAN 2010, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Với nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng như mở rộng EAS (Hội nghị cấp cao Đông Á) hay thành lập cơ chế ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng), Việt Nam tích cực cùng các thành viên ASEAN duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Sáng 10/12, tại Hà Nội, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 thông qua Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.

Tiếp theo kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nghiệm cùng ASEAN, giữ vững đà hợp tác, duy trì được vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN và xử lý phù hợp các vấn đề nảy sinh, nhất là tình hình Myanmar. Việt Nam cũng đã khéo léo thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên của mình trong ASEAN như tiếp tục duy trì và phát huy lập trường nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, nội dung phát triển tiểu vùng…

Việc Vương quốc Anh được chính thức công nhân là Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN trong năm 2021 có đóng góp quan trọng của Việt Nam.

Ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm

Tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển biến phức tạp, khó lường; các đợt bùng phát dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Việc tiếp cận, phân bổ không đồng đều vaccine khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng chưa đạt được như mong muốn, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có các thành viên ASEAN.

Kinh tế thế giới và khu vực duy trì triển vọng đến tiến trình phục hồi tích cực song còn bấp bênh; tăng trưởng của ASEAN dự báo vẫn ở mức dương nhưng giảm từ 4,4% còn 4%. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, tình hình Myanmar, Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường an ninh chung của khu vực,…

Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, là một trong ba nước ASEAN đang nỗ lực tự chủ nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đề xuất ASEAN nâng cao khả năng tự cường vaccine thông qua xây dựng chuỗi cung ứng vaccine khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ công bố danh mục vật tư y tế trị giá 5 triệu USD mà Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Để sớm khắc phục hậu quả kinh tế, xã hội của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ASEAN cần tập trung nỗ lực hỗ trợ các nhóm người và vùng miền chịu tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có các tiểu vùng cũng như hỗ trợ các ngành nghề có điều kiện nhanh chóng phục hồi.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng các tiểu vùng trong sự phát triển và tăng trưởng bền vững.

Vào ngày 30/11/2021 tới đây, tại Hà Nội, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm.

Với chủ đề “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng”, tư tưởng chủ đạo của Việt Nam khi tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 là “đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm”, nỗ lực cùng ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN.

Thi Uyên (VOV.VN)

Tin mới