Ngày 28/10, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị triển vọng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Sự kiện ý nghĩa này do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức.
Năm 2019 là “Năm chéo Việt –Nga”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (30/1/1950 – 30/1/2020).
Do đó, hoạt động hợp tác giáo dục Việt - Nga lần này được xem là một trong những nền tảng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai đất nước, tăng cường tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Toàn cảnh Hội nghị bàn tròn về triển vọng hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga. (Ảnh: Minh Tuấn)
Tham dự Hội nghị bàn tròn với chủ đề: “Nga-Việt: Triển vọng hợp tác giáo dục” có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Giáo dục Nga Pavel Zenkivich. Phía Việt Nam có bà Hoàng Thi Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov khẳng định, hiện nay Việt – Nga có tất cả điều kiện cần thiết, để thúc đẩy nhiều hơn nữa mối quan hệ giáo dục đào tạo. Hội nghị bàn tròn lần này sẽ tạo nền tảng tốt đẹp, tăng sức hấp dẫn của giáo dục và ngôn ngữ Nga tại Việt Nam. Từ đó, đưa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này lên tầm cao mới.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đánh giá cao những thành tựu đạt được trong hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua. Đồng thời tin tưởng rằng, lĩnh vực giáo dục sẽ tiếp tục được quan tâm và trở thành cầu nối quan trọng xây đắp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Liên bang Nga.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa phát biểu tại hội nghị hợp tác giáo dục Việt nam - Liên bang Nga. (Ảnh: Minh Tuấn)
Sau đó, Hội nghị nghe đại diện của Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác tại Việt Nam (Rossotrudnichestvo) thông tin về những hoạt động hợp tác giáo dục, đào tạo của hai nước trong thời gian qua.
Theo đó, năm 2018, Việt Nam cử 965 sinh viên sang học tập theo diện hiệp định do chính phủ hai bên tài trợ. Dự kiến, trong 2019, có hơn 1000 lưu học sinh Việt Nam tiếp tục sang Nga du học theo diện này.
Tại hội nghị, đại diện Việt Nam và Liên Bang Nga điểm lại những dự án hợp tác phát triển lâu dài và khá thành công trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến đào tạo tiếng Nga, giáo dục dạy nghề, giáo dục bổ trợ.
Từ đầu những năm 1950, hàng chục ngàn chuyên gia Việt Nam được đào tạo nghề trung cấp và cao cấp tại Liên Xô. Thời kỳ hậu Liên Xô đến nay, nước Nga cũng cấp bằng cho hàng nghìn công dân Việt Nam tại nhiều cơ sở giáo dục toàn liên bang.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov tin tưởng hai nước sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa mối quan hệ giáo dục đào tạo. (Ảnh: Minh Tuấn)
Một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn hiện nay giữa Việt Nam và Liên bang Nga được nêu ra tại Hội nghị là đào tạo từ xa và phát triển tài nguyên giáo dục điện tử.
Tại Nga hiện có nhiều dự án phát triển đào tạo từ xa, sẽ thu hút sự quan tâm từ phía Việt Nam. Đặc biệt là dự án “Trường học Điện tử Nga” đã triển khai thành công.
Mục tiêu chính của dự án này là cung cấp tài nguyên tri thức trực tuyến cho những người ở xa nước Nga, có thể tiếp cận miễn phí với nguồn giáo dục bậc cao. Ngoài ra, dự án "Trường học Điện tử Nga” hỗ trợ tích cực cho đội ngũ giáo viên, sử dụng hiệu quả các bài học tương tác diện tử trong công tác giảng dạy.
Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục ở Saint Pererburg, Cộng hòa Tatarsatn, khu vực Chelyabinsk đề nghị từ Bộ Giáo dục Nga phát triển dự án này. Nhiều tổ chức giáo dục tại Nga cũng đang quan tâm đến việc phát triển dự án đào tạo từ xa tới các cơ sở đào tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.