Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hội đồng HLV Quốc gia: Cần cải tổ để thoát cảnh 'sống mòn trong quên lãng'

(VTC News) -

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần có phương án để Hội đồng huấn luyện viên quốc gia phát huy được vai trò về chuyên môn sau rất nhiều năm mờ nhạt.

Trong một thời gian rất dài, bóng đá Việt Nam dường như quên mất Hội đồng huấn luyện viên quốc gia. Thường trực Ban chấp hành VFF – với tư cách cơ quan quản lý trực tiếp hội đồng cần có những quyết định mang tính bước ngoặt để tổ tư vấn cấp cao phát huy đúng vai trò, thể hiện được năng lực chứ không chỉ hữu danh vô thực.

Không ít người hâm mộ cho rằng bóng đá Việt Nam cần một tổ tư vấn giống như Uỷ ban tăng cường sức mạnh đội tuyển của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA). Ở đó, những người từng làm việc ở Việt Nam là Chung Hae-seong, Lee Young-jin làm những công việc có ảnh hưởng quan trọng tới vấn đề chuyên môn của đội tuyển Hàn Quốc.

Thực ra, tổ tư vấn của LĐBĐ Hàn Quốc cũng vừa trải qua cuộc cải tổ rất lớn. Trước đó, họ cũng mờ nhạt chẳng khác Hội đồng HLV quốc gia ở Việt Nam.

Thất bại của HLV Klinsmann mở ra cuộc cải tổ ở Ủy ban tăng cường sức mạnh đội tuyển quốc gia thuộc LĐBĐ Hàn Quốc.

Nếu đội tuyển Hàn Quốc không thất bại ở Asian Cup 2023 và lộ ra việc chủ tịch KFA làm sai quy trình bổ nhiệm HLV trưởng, tổ tư vấn của KFA có lẽ sẽ chẳng được nhắc tên. HLV Jurgen Klinsman thậm chí không biết sự tồn tại của cơ quan này, dù họ là những người kiến nghị sa thải ông.

Bóng đá Việt Nam có lẽ không nên chờ tới khi gặp biến cố mới cải tổ. Thay đổi là nhiệm vụ bắt buộc để hội đồng HLV quốc gia thể hiện được đúng vai trò, phát huy tầm ảnh hưởng tương xứng với tên gọi. Ý chí của Thường trực VFF sẽ mang tính quyết định trong quá trình này.

Đội tuyển Việt Nam cần "tổ tư vấn"

Trước tiên, phải làm thế nào để tiếng nói của các chuyên gia trong hội đồng có sức nặng và được biết đến nhiều hơn.

Hoạt động phản biện của hội đồng không được công khai và rõ ràng, vai trò mờ nhạt. Đây là hạn chế trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam. Hội đồng cần có sự danh chính ngôn thuận, hoạt động làm sao hợp lý và đúng về luật.

Ngoài ra, hoạt động ấy cần được thông tin kịp thời với công chúng, không để người ngoài nghĩ rằng chỉ có các lãnh đạo trong Thường trực VFF quyết định mà không thấy ảnh hưởng từ sự tham mưu của bộ phận chuyên môn", chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển

Ở Hàn Quốc mới đây, trước khi danh tính HLV trưởng mới của đội tuyển quốc gia được công bố, các tiêu chí tuyển chọn được người đứng đầu của tổ tư vấn là ông Chung Hae-seong công khai. Trong khi đó ở bóng đá Việt Nam, quy trình diễn ra ngược lại. Tiêu chí lựa chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia chỉ được nhắc đến chung chung, hoặc đồn đoán sau khi cái tên chính thức được công bố.

Nhìn lại quá khứ, đội tuyển Việt Nam trải qua nhiều đời huấn luyện viên trưởng cả nội lẫn ngoại, nhưng chỉ vài người được coi là thành công về mặt thành tích. Nếu dựa vào thống kê này để đánh giá hiệu quả công việc của Hội đồng HLV quốc gia thì "tổ tư vấn" của VFF rõ ràng không hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng “được tiếng” là có quyền tham vấn về việc lựa chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia nhưng tỷ lệ thất bại lại cao hơn thành công. Như vậy, hội đồng tư vấn sai hay tư vấn nhưng không được lắng nghe?

Hội đồng HLV quốc gia hiện nay là một “tổ tư vấn” với nhiệm vụ rõ ràng là tiếp nhận thông tin và đưa ra các kiến nghị từ sự đánh giá, phân tích. Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam trải qua các giải đấu thành công hay thất bại, dư luận không thấy tiếng nói của hội đồng trong việc tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ, phản biện.

Tất nhiên, LĐBĐ Việt Nam tôn trọng và tin tưởng HLV trưởng đội tuyển quốc gia - hiện nay là ông Philippe Troussier. Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc phó mặc mọi thứ cho nhà cầm quân người Pháp.

VFF cần thể hiện rằng cơ quan này có bộ phận đúng chuyên môn để giám sát, đánh giá tình hình, qua đó hỗ trợ, hoặc cảnh báo khi có vấn đề. Hội đồng có thể trở thành đơn vị xây dựng, đánh giá công việc của HLV trưởng một cách chính danh. 

Hội đồng HLV quốc gia không thể "hữu danh vô thực"

Tổ tư vấn của LĐBĐ Hàn Quốc gồm 11 người, trong đó không phải tất cả đều là những tên tuổi lớn mà có cả những cựu cầu thủ mới chuyển sang sự nghiệp huấn luyện. Tuy nhiên, họ vẫn là người trong nghề, có con mắt chuyên môn. Trong khi đó, Hội đồng HLV quốc gia ở Việt Nam đến lúc này chỉ gồm 5 thành viên.

“Có nhiều HLV nội tài năng như Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thành Công hay Vũ Hồng Việt... Họ cho thấy năng lực tốt, sắc sảo về chuyên môn. VFF dường như đang bỏ qua khối này. Sắp tới, cần có sự ổn định và nâng cao vai trò của hội đồng HLV quốc gia, nếu không thì rất lãng phí. Cầu thủ và HLV là những người làm nghề quan trọng, nếu không quy tụ được nguồn lực này sẽ là sự lãng phí lớn”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nói.

Đầu năm 2023, tại hội nghị đại biểu HLV quốc gia khoá IX, ông Chu Đình Nghiêm được giới thiệu và bầu vào hội đồng HLV quốc gia. Khi nhận được số phiếu bằng với HLV Đoàn Thị Kim Chi, ông Nghiêm lập tức thoái lui với lý do “hội đồng cần một HLV am hiểu bóng đá nữ, đại diện cho các nhà chuyên môn là nữ giới".

Quyết định của huấn luyện viên trưởng CLB Hải Phòng phần nào nói lên tiếng lòng của một bộ phận các nhà làm chuyên môn của bóng đá Việt Nam xưa và nay. Họ không mặn mà với việc xuất hiện ở hội đồng HLV quốc gia.

HLV Chu Đình Nghiêm được mời vào hội đồng nhưng "nhường" lại cho đồng nghiệp.

Trả lời VTC News, một vị HLV đang làm việc ở V.League thẳng thắn: “Tôi nghĩ anh Chu Đình Nghiêm không muốn xuất hiện ở hội đồng làm gì cả. Nếu tiếng nói không được tôn trọng và không có thực quyền, các HLV đều sẽ không tha thiết đóng góp sức mình. 'Vì cái chung' là khái niệm theo tôi rất mơ hồ”.

Muốn đóng góp, các HLV danh tiếng cần có thời gian, thậm chí là quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng. Ngoài chủ tịch Nguyễn Sỹ Hiển làm nhiệm vụ chuyên trách, các thành viên của hội đồng đều rất bận và có công việc riêng. Khi ông Chung đang dự World Cup, làm sao chiến lược gia này biết HLV Troussier làm gì ở nhà để phân tích, hỗ trợ hay phản biện?

Cũng từng xuất hiện câu hỏi rằng phải chăng VFF “tránh” mời những HLV thích phản biện vào hội đồng? Nhận định này có phần chủ quan nhưng không phải là không có cơ sở. Thực tế, đúng là những thành viên trong hội đồng nổi tiếng với tính cách “dĩ hoà vi quý”.

Trong quá khứ, đích thân ông Lê Thế Thọ - chủ tịch đầu tiên của hội đồng HLV quốc gia thẳng thắn đề xuất nên… giải tán hội đồng với lý do đây là cơ quan “ảo”, không có tác dụng nào về chuyên môn.

Một tổ chức không được đánh giá cao về danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng thì chẳng thể có sức hút đối với các chuyên gia hàng đầu. Thậm chí, ngay cả những người đang đảm nhiệm công việc ở hội đồng hiện tại, thật khó để họ phát huy hết được năng lực trong hoàn cảnh như vậy.

Hội đồng HLV quốc gia phải chăng nên trải qua một cuộc đại phẫu giống như ở Hàn Quốc - nơi toàn bộ tổ tư vấn được đập đi xây mới hoàn toàn?

Mai Phương

Tin mới