Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa có văn bản gửi đến các Hội đồng giáo sư cơ sở, ngành, liên ngành năm 2022; các cơ sở được phép đào tạo trình độ tiến sĩ với yêu cầu quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 37 của Thủ tướng và các văn bản khác có liên quan; bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên.
Hội đồng Giáo sư nhà nước đề nghị các đơn vị chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan. Thẩm định kỹ đối với những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.
Trường hợp có ý kiến phản ánh, kiến nghị hoặc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ứng viên và hoạt động của Hội đồng thì kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết theo đúng quy định.
Hoạt động của Hội đồng giáo sư các cấp là hoạt động giáo dục, đào tạo đặc thù, cần gắn với kế hoạch công tác của cơ sở giáo dục. Các đơn vị, cá nhân liên quan cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, tạo điều kiện để Hội đồng giáo sư các cấp hoạt động có hiệu quả.
Cùng yêu cầu bảo đảm công tác xét của các Hội đồng giáo sư các cấp năm 2022 đúng tiến độ theo kế hoạch, Hội đồng giáo sư nhà nước còn nhấn mạnh việc tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định hiện hành.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan; bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng cho những người tham gia thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước nhấn mạnh thêm về việc nhận diện tạp chí kém chất lượng, có vấn đề. Theo ông, các chuyên gia thẩm định, nhà khoa học và Hội đồng giáo sư các cấp thường xuyên cập nhật thông tin về các tạp chí kém chất lượng, “có vấn đề”.
Hiện nay có khá nhiều nguồn thông tin về vấn đề này, một số trang thông tin điện tử được nhiều người biết đến và tra cứu như: www.Bealist.net; www.openacessjournal.com/blog/predatory-journals-list/; https://retractionwatch.com...
Mặt khác, nhiều trường đại học uy tín trên thế giới cũng có chuyên mục về những tạp chí nêu trên để cảnh báo cho các nhà khoa học có nhu cầu công bố nghiên cứu của mình có thêm thông tin để lựa chọn tạp chí có chất lượng và phù hợp với hướng nghiên cứu của mình. Ngoài ra, những thông tin phản ánh về chất lượng tạp chí, nội dung bài báo cụ thể ngày càng nhiều trên mạng xã hội cũng là nguồn thông tin hữu ích để các nhà khoa học, Hội đồng giáo sư các cấp tham khảo khi đánh giá hồ sơ ứng viên.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Anh Tuấn khẳng định trong quá trình thẩm định hồ sơ, các chuyên gia, nhà khoa học và Hội đồng giáo sư các cấp cũng cần xem xét kỹ về nội dung cụ thể của từng bài báo trong hồ sơ ứng viên, cần chú ý tới các vấn đề như: nội dung có phù hợp với chuyên ngành đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ứng viên hay không; mức độ trùng lặp của các bài báo, công bố trên tạp chí nào và cập nhật danh mục tạp chí uy tín để xác định tạp chí đó có còn trong danh mục hay không; thời điểm nào bị loại ra khỏi danh mục...
Hiện nay, các công cụ tra cứu về thông tin xuất bản tạp chí, sách phục vụ đào tạo (cả quốc tế và trong nước) khá phong phú và dễ dàng sử dụng, qua đó giúp cho các chuyên gia, nhà khoa học và Hội đồng giáo sư các cấp có thêm thông tin hữu ích từ nhiều nguồn khác nhau để đánh giá, thẩm định hồ sơ ứng viên khách quan và hiệu quả.