Trở lại làm việc sau gần nửa tháng nghỉ Tết, Nguyễn Văn Chiến, 30 tuổi, nhân viên công ty thiết kế ở Hà Nội bắt đầu với dự án set up cho một chuỗi cửa hàng cà phê. Tuy nhiên, anh thường xuyên bị lãnh đạo khiển trách khi liên tục mắc các lỗi sai về bản vẽ, điều này càng khiến chàng trai thêm chán nản.
“Tôi không thể tập trung dù đã có khoảng thời gian nghỉ ngơi dài”, anh Chiến nói và cho biết không chỉ gặp vấn đề về tinh thần mà anh cơ thể liên tục cảm thấy đau mỏi, uể oải.
Anh thừa nhận bản thân rơi vào trạng thái mất hứng thú làm việc. Trải qua 12 ngày nghỉ Tết mà anh vẫn cảm giác chưa được nghỉ. Trong đầu người đàn ông luôn nghĩ đến những chuyến du xuân, buổi tụ tập ăn uống, thay vì những ý tưởng sáng tạo phục vụ công việc.
Trong khi đó, Đặng Mai Anh, 29 tuổi, nhân viên truyền thông rơi vào trạng thái buồn rầu, thậm chí cáu gắt với đồng nghiệp chỉ vì một vấn đề nhỏ tại cơ quan sau kỳ nghỉ.
Mai Anh luôn là người có trạng thái tốt trong công việc và mối quan hệ hài hòa với đồng nghiệp, vậy mà kỳ nghỉ Tết lần này khi trở lại cô luôn thấy bực tức, chán ghét, không có tâm trạng làm việc. Mai Anh cảm thấy đau mỏi vai gáy, thậm chí đau đầu mỗi lần nhìn vào các văn bản, chứng từ ở cơ quan.
"Tôi thậm chí suy nghĩ đến việc nghỉ việc", cô gái 29 tuổi nói.
Nhiều nhân viên văn phòng chán nản, không muốn quay lại làm việc sau Tết. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, sau Tết nhiều người rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần, không muốn làm việc.
“Tình trạng này gọi là trầm cảm sau nghỉ lễ”, bác sĩ Thu nói.
Nguyên nhân do mọi người có kỳ nghỉ lễ dài, được nghỉ ngơi không chịu áp lực từ công việc, quen với lối sống thoải mái, nên nảy sinh kháng cự khi trở lại guồng công việc bận rộn. Một số người xuất hiện trạng thái chán nản kèm đau nhức cơ thể do lối sống thiếu lành mạnh ngày Tết, ăn ngủ, nghỉ không đúng giờ giấc.
Tình trạng mệt mỏi này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc, tinh thần, thúc đẩy chứng trầm cảm, lâu dài dẫn đến các rối loạn tâm thần.
Theo chuyên gia, mệt mỏi, uể oải sau nghỉ lễ là điều dễ hiểu, ai cũng cần khoảng thời gian để trở lại cuộc sống bình thường, phục hồi sức khoẻ. Vì vậy mỗi người không nên quá căng thẳng, mà dành thời gian để bản thân thích nghi. Chọn lựa và làm những việc dễ và quan trọng trước, không nên quá vội vàng trở lại công việc gây áp lực cho bản thân. Bạn cũng nên chia sẻ với sếp và đồng nghiệp về khó khăn mình gặp phải, để không nảy sinh tâm lý kháng cự với việc đi làm.
Một số nảy sinh tâm lý chán ghét công việc, thậm chí muốn nghỉ việc. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh vấn đề sức khoẻ tinh thần, chúng ta cũng cần chú trọng về dinh dưỡng sau kỳ nghỉ lễ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chia sẻ ngày Tết, mọi người thường bị cuốn vào những bữa tiệc tùng và tụ tập tới khuya ăn, ngủ không không đúng giờ. Việc này làm cho cơ thể bị rối loạn nhịp sinh học, thay đổi chu kỳ sinh học khiến ai nấy đều mệt mỏi.
Để trở về nhịp sinh hoạt như những ngày thường trước đó, bạn cần thời gian điều chỉnh lại từ 2 đến 3 ngày, thậm chí cả tuần.
Theo bác sĩ Hưng, tốt nhất chúng ta cần lấy lại nhịp sinh học, ngủ đủ giấc 6 - 8 tiếng một ngày để nạp lại năng lượng cho cơ thể. Việc ngủ đủ giấc sẽ mang lại tinh thần thoải mái và sảng khoái để bắt đầu cho những ngày làm việc đầu năm mới.
Bên cạnh nên uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo. Đặc biệt, cần phải duy trì tập luyện thể dục thể thao. Có thể lựa chọn một môn thể thao phù hợp với bản thân, có thể đơn giản nhất như đi bộ, chạy bộ. Đồng thời cố gắng vận động ở mọi lúc mọi nơi khi có cơ hội cũng sẽ giúp tiêu hao năng lượng, cải thiện sức khoẻ.