Con học lớp 1, phải ở nhà do dịch COVID-19 khiến cuộc sống của gia đình chị Vũ Nam Phương gần như xáo trộn. Trong thời gian này, vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ trông con và giám sát học trực tuyến. Nhiều hôm chị phải gửi con nhờ nhà hàng xóm hoặc thuê người giúp việc để đi làm. Chị mong dịch COVID-19 tại Hà Nội sớm được kiểm soát và con có thể trở lại trường trong tháng 3.
Chị Phương cũng không muốn con nghỉ học quá lâu vì sợ trẻ quên kiến thức trong khi việc học trực tuyến chưa thật sự hiệu quả. Chị kể, mỗi ngày con đều học từ 4-5 tiết, mất nguyên một buổi sáng. Những lúc con học chị rất vất vả để chuẩn bị điện thoại kết nối webcam và ngồi học cùng con.
Lớp học có 57 học sinh là 57 gia đình vì thế nảy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn chuyện gia đình chút nặng lời hoặc bố mẹ quần áo xộc xệnh đi qua đi lại trước camera. Những lúc như vậy bản thân giáo viên và phụ huynh đều thấy ngán ngẩm.
Chưa kể với học sinh lớp 1 thì tinh thần tự giác cao trong học tập chưa cao, phụ huynh thường xuyên phải nhắc nhở. Việc kết nối mạng chập chờn cũng là lý do khiến cho buổi học trực tuyến kém hiệu quả. Gọi là học nhưng có buổi chỉ khoảng 20 phút. Trong khi con chị Phương cứ học được 5 phút là kiếm lý do để trốn học. Nhiều hôm chị phải dỗ dành nịnh nọt, rồi dọa nạt…con cả buổi, bé mới chịu ngồi yên để học.
"Con ở nhà thêm 1, 2 tháng nữa, mà học trực tuyến kiểu này chắc tôi không chịu nổi. Chúng tôi chỉ mong sao, con sớm được đi học trong tháng 3 để phụ huynh có thời gian đi làm và bé không bị quên kiến thức”, chị Phương bày tỏ.
Học trực tuyến không hiệu quả, phụ huynh lo lắng. (Ảnh: V.N)
Với gia đình anh Nguyễn Tấn Minh, việc học trực tuyến của con không phải là vấn đề vì con anh đã học lớp 9. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của gia đình là sợ cháu học ở nhà không theo kịp chương trình khi chỉ vài tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, vợ chồng anh cũng mong Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có phương án cân nhắc cho học sinh THCS, THPT trở lại trường.
Thông thường các năm, bắt đầu từ tháng 2, học sinh cuối cấp sẽ bước vào giai đoạn ôn thi quyết liệt để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên hai năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên học sinh thường tự ôn luyện ở nhà với sự hướng dẫn của giáo viên qua hệ thống giảng dạy trực tuyến hoặc học trên mạng, youtube.
Nhận thấy tình hình học tập của con không ổn, anh Minh lo lắng và thuê hẳn gia sư cho con với học phí không hề rẻ. Thế nhưng để theo kịp chương trình thì việc học tại trường là vô cùng cần thiết.
Anh cho biết, gia đình và con rất lo lắng nếu nghỉ học dài ngày trong khi giai đoạn ôn thi lớp 10 đã bắt đầu. Học sinh THCS và THPT có ý thức và nhận thức phòng dịch nên hoàn toàn có thể đi học trở lại trong tháng 3.
Không chỉ có phụ huynh, học sinh cảm thấy sốt ruột mà giáo viên trên địa bàn thành phố cũng mong ngóng được đi dạy học trở lại.
Cô giáo Vũ Thu Hà, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, thừa nhận việc dạy trực tuyến không mấy hiệu quả và khiến phụ huynh, giáo viên, học sinh đều vất vả. Đối với hình thức giảng dạy trên lớp, đôi khi học sinh còn lơ đãng, không chịu học chứ đừng nói đến việc học trực tuyến. Vì thế chỉ có khoảng trên dưới 20% học sinh là chịu học. Đặc biệt với học sinh tiểu học rất khó tập trung để học trực tuyến.
“Bản thân tôi là giáo viên đứng lớp cũng nhận thấy trẻ đến trường học là tốt nhất, học trực tuyến chỉ mang tính chất giải pháp tạm thời. Trong các buổi học, tôi nhận thấy các em không tập trung, tiếp thu chậm. Hy vọng trong tháng 3 dịch COVID-19 lắng xuống, cô và trò có thể được đến trường”, cô Hà tâm sự.
Phụ huynh mong mỏi con sớm được trở lại trường. (Ảnh: T.K)
Theo PGS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, việc học trực tuyến không đem lại hiệu quả với học sinh mầm non và lớp 1, lớp 2. Đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, áp dụng thời gian dịch bệnh.
Việc tổ chức dạy học trực tuyến phải căn cứ theo đặc điểm tâm sinh lý, độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ quá nhỏ không thể đòi hỏi các con tập trung hoặc xử lý nhiều công việc cùng một lúc như ghi bài, nghe giảng, thao tác trên màn hình. Bên cạnh đó việc nhìn nhiều màn hình điện thoại cũng gây ảnh hưởng đến mắt của trẻ nhỏ.
Từ những kiến giải trên, ông Nam cho rằng một số địa phương dừng việc học trực tuyến là đúng đắn và tốt nhất nên kiểm soát dịch COVID-19 nhanh chóng để trẻ được đến trường.