Để tiện cho việc đến trường, nhiều phụ huynh đã sắm cho con em mình xe gắn máy. Tuy nhiên không hiểu vô tình hay cố ý mà rất nhiều học sinh đang điều khiển các loại xe phân khối lớn, vi phạm những quy định hiện hành về độ tuổi được phép điều khiển những phương tiện này.
Nam sinh ở Sơn La đi xe máy sai quy định, bốc đầu.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển xe phân khối lớn trái quy định (từ 50cc trở lên) đầu trần, phóng nhanh vượt ẩu,… thậm chí đua xe trên đường.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN ngày 12/10, vào giờ tan trường tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối từ 50cc trở lên (sai quy định) diễn ra khá phổ biến. Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, vi phạm luật giao thông từ trường ra đến đường phố.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: “Theo quy định học sinh cấp 3 không được sử dụng xe máy từ 50cc trở lên. Để đảm bảo học sinh tuân thủ quy định này, ngay từ đầu năm học chúng tôi đều có văn bản yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đoàn thanh niên của nhà trường thường xuyên triển khai giúp các cháu nâng cao nhận thức và chấp hành quy định”.
Học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam phi phạm luật giao thông nhan nhản từ sân trường ra đến đường phố.
Theo TS Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ nhiều năm nay, một năm 2 đợt vào đầu các học kỳ trường này luôn yêu cầu học sinh và phụ huynh ký vào bản cam kết thực hiện nghiêm quy định an toàn giao thông.
“Nếu học sinh vi phạm luật giao thông, vi phạm đến đâu nhà trường sẽ xử lý đến đó. Nếu vi phạm giao thông trên đường, có thông tin hay giấy tờ từ lực lượng chức năng chuyển về, hay các thầy cô giáo phát hiện được thì chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý ở góc độ đạo đức như hạ hạnh kiểm, hạ thi đua,…”, TS Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm học lãnh đạo trường THPT Việt Đức tổ chức những buổi sinh hoạt dưới cờ phổ biến về quy định an toàn giao thông. Cùng với đó là mời báo cáo viên về nói chuyện với học sinh về những quy định mà các em không được phép sử dụng như chưa đến tuổi không được phép dùng xe máy trên 50 phân khối (cc) hoặc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện,…
“Để thực hiện việc này, chúng tôi có sự kết hợp giữa Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhằm thường xuyên giáo dục cho các em về văn hóa giao thông ngay ở trong nhà trường. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự phối hợp của gia đình và toàn xã hội.
Thực tế đa phần gia đình học sinh chấp hành nhưng cũng có trường hợp vì lý do nào đó vẫn cho con em mình sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Với những trường hợp này khi đến trường, chúng tôi sẽ cương quyết không cho học sinh và phương tiện được vào trong trường. Với trường hợp học sinh điều khiến xe máy phân khối lớn tham gia giao thông trên đường, khi có thông tin, chúng tôi sẽ trao đổi, chia sẻ giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh đó, để giáo dục ý thức các cháu”, TS. Nguyễn Bội Quỳnh cho hay.
Học sinh sử dụng xe phân khối lớn, đua xe, vi phạm luật giao thông diễn ra nhan nhản trên đường phố Hà Nội.
Giáo dục ý thức học sinh không chỉ phó mặc cho nhà trường
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho biết, hiện nay học sinh sử dụng xe máy thậm chí là xe phân khối lớn vi phạm luật giao thông nhan nhản trên đường phố Hà Nội và các địa phương trên cả nước.
Theo ông Đức trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường phải giáo dục học sinh khi các em tới lớp, ra đường là trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của CSGT. Trách nhiệm lớn nhất là thuộc về gia đình bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình cũng là đóng vai trò quyết định trao cho con điều khiển phương tiện giao thông như thế nào. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật cho con trẻ.
“Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ngay từ trong nhà. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể đạt được khi mà chính các bậc phụ huynh nuông chiều, không cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, xây dựng ý thức cho con em mình. Những thói hư, tật xấu của con trẻ sẽ bắt nguồn chính sự nuông chiều, bỏ bê, lơ là của gia đình, nơi các em sinh sống”, TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đi xe phân khối sai quy định, đầu trần ra phố.
Theo đại diện Phòng CSGT Hà Nội, một số lượng không nhỏ các em học sinh ở độ tuổi từ 10 - 17 tuổi hiện nay, được gia đình cho tự đi học bằng xe đạp, xe máy điện, hoặc xe máy,... Các em cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông. Hiện tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ,… diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây cản trở giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
“Một trong những vấn nạn giao thông nhức nhối nhất hiện nay của Hà Nội và nhiều đô thị khác là thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, hoặc chạy quá tốc độ, nẹt ga, bấm còi ầm ĩ trên đường phố. Nhóm hành vi này khiến các em tự đặt mình vào nguy hiểm, nặng thì thương vong, nhẹ thì bị xử phạt, gia đình cũng mang tiếng xấu.
Khi phụ huynh nuông chiều hoặc buông lỏng quản lý, giáo dục, học sinh sẽ tiêm nhiễm thói xấu khi tham gia giao thông, vô tình dạy để cho trẻ coi thường pháp luật cũng như lực lượng chức năng. Một số trường hợp học sinh sử dụng xe máy, không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, khi bị chúng tôi nhắc nhở, sẵn sàng tăng ga bỏ chạy, thậm chí là văng tục, thách thức…”, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết.