Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh thiệt mạng do cây đổ, điện giật, đuối nước: Trách nhiệm thuộc về ai?

(VTC News) -

Để xảy ra nhiều vụ học sinh qua đời vì điện giật, cây đổ, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục, nhà trường, thầy cô liên quan và địa phương.

Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT khi chia sẻ với phóng viên VTC News. Ông cũng lưu ý những việc cần thực hiện để tránh các tai nạn thương vong khác có thể xảy ra.

- Từ những sự việc thương tâm liên tiếp xảy ra trong khu vực nhà trường thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo, hỗ trợ ra sao?

Ngay sau khi xảy ra các sự việc thương tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo ngay các trường phối hợp công ty cây xanh địa phương kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Các trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh sinh viên.

Trước đó, Bộ đã ban hành Thông tư quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, bạo lực…

Đặc biệt, Thông tư này đặt ra quy định cấp chứng nhận về trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích khi 80% nội dung các tiêu chí trường học an toàn được đánh giá là đạt; không có học sinh bị tử vong hay thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.

Bộ cũng ban hành công văn đề nghị các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020 cho người học (công văn số 1715/BGDĐT-GDTC); chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tăng cường triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong học sinh phổ thông.

Học sinh vui chơi trong môi trường học an toàn. (Ảnh minh hoạ)

- Từ sau khi học sinh tạm nghỉ COVID-19 trở lại trường, nhiều tai nạn thương tâm như cây đổ, điện giật… Vậy trách nhiệm thuộc về ai và sẽ có hình thức xử lý thế nào?

An toàn trường học là vấn đề quan trọng của mỗi cơ sở giáo dục. Làm sao để mỗi ngày đi học của học sinh là một ngày vui. An toàn trường học không chỉ do những nguyên nhân khách quan mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm phòng ngừa của các trường học trong hoạt động hằng ngày.

Theo tôi trách nhiệm đảm bảo an toàn trường học thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục, trong đó hiệu trưởng là người điều hành mọi hoạt động của cơ sở giáo dục. Chính quyền địa phương nơi cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn, nhà trường, các thầy cô giáo đều có trách nhiệm liên quan.

Hằng năm chính quyền địa phương với các cơ sở giáo dục đều có quy chế phối hợp thường xuyên với các ban ngành đoàn thể giúp các nhà trường đảm bảo an ninh, anh toàn trường học nói riêng và các hoạt động giáo dục khác nói chung.

- Các cơ sở giáo dục cần tăng cường những biện pháp gì để đảm bảo an toàn trường lớp cho học sinh, nhất là trong mùa mưa bão và thời gian học sinh nghỉ hè sắp tới?

Để đảm bảo an toàn trường lớp cho học sinh, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới, các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục cần khẩn trương phân công rà soát, đánh giá tổng thể các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về phòng tránh thương tích cho học sinh.

Tăng cường tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh học sinh làm tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng chống đuối nước trong dịp hè và trong mùa mưa bão.

Kiểm tra, thống kê các phòng học, đặc biệt phát hiện sớm là những phòng học đã xuống cấp; gia cố, sửa chữa cửa lớp, cửa sổ, mái nhà, các thiết bị trong phòng học để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn.

Đối với cây xanh trong khuôn viên trường cần chặt, tỉa bớt các cành cây. Tuy nhiên, không nên chặt bỏ tất cả các cây to lâu năm, cao, tán rộng để thay thế bằng các loại cây khác, cần có phương án vẫn giữ được cây mà đảm bảo an toàn trong trường học.

Để làm được những việc đó, rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn.

Xử lý gấp những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra, không để học sinh đến trường, lớp, khu vực mất an toàn.

Trong thời gian tới, ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt hiệu trưởng cần rút kinh nghiệm sâu sắc và đây là những bài học sau những vụ việc thương tâm xảy ra ngoài ý muốn, nhanh chóng có các biện pháp phòng ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, các trường cũng cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức Đoàn- Hội- Đội giáo dục nâng cao ý thức cho học sinh phòng tránh tai nạn thương tích nói chung cũng như những tai nạn thương tích nói riêng xẩy ra trong trường học.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để chủ động phát hiện các yếu tố, nguy cơ nguy hiểm trong sinh hoạt hằng ngày, để chủ động phòng tránh hiệu quả.

Xin cảm ơn ông.

Khôi Minh

Tin mới