Học sinh Hà Nội nghỉ Tết Nguyên đán 2020 và nghỉ phòng chống dịch Covid-19 đến nay hơn một tháng. Hầu hết các trường tư "than" gặp khó khi phải “gánh” đủ các khoản chi phí, trong khi khoản thu lại không có.
Chia sẻ về những khó khăn, thầy Nguyễn Văn Phi, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, trường tạm ngừng hoạt động từ gần 6 tuần nay, chưa kể thời gian hơn nửa tháng nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán theo quy định chung cả nước.
Bản thân là trường tư thục nên mọi hoạt động đều tự thu, tự chi độc lập không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt tài chính từ phía địa phương và các nguồn lực xã hội.
Những chi phí như tiền thuê cơ sở, tiền điện nước, tiền duy trì mặt bằng, tiền trả lương cho giáo viên. Tất cả là sức ép rất lớn đến các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trong giai đoạn này.
Trường vẫn phải trả lương cho giáo viên ít nhất 50% so với lương những ngày đi dạy trực tiếp. Trường trả lương này một phần do nghĩa vụ trong hợp đồng lao động nhưng phần lớn là để giữ chân giáo viên. Bởi hiện tìm được một cô giáo chăm chỉ, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm và chịu được áp lực môi trường mầm non là rất khó. Mặt bằng chung các trường luôn khát nhân lực sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ hè.
Với trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, việc thuê mặt bằng là khoản chi lớn nhất trong năm. Đơn vị nào có quy mô dưới 100 trẻ thì phải đảm bảo ít nhất 200m2 mặt sàn diện tích sử dụng, cơ sở trên 100-200 trẻ thì diện tích thuê dĩ nhiên sẽ lớn hơn, từ 500m2 trở lên, chưa kể khu vực sân chơi cho các bé.
Trung bình một tháng sẽ tốn khoảng 50-70 triệu tiền thuê mặt bằng. Như vậy trong gần hai tháng qua trường không có một nguồn thu nào nhưng vẫn phải chi phí rất nhiều. Với diễn biến như hiện nay, ông Phi cho rằng, không ít cơ sở trông trẻ tư thục sẽ rơi vào bế tắc, thậm chí phải buộc lòng phải đóng cửa vì không thể gánh các chi phí hoạt động khi không có các bé tới trường.
(Ảnh minh họa: T.L)
Chị Phương, chủ nhóm trẻ mầm non Ban Mai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết các cơ sở mầm non đang phải tự chi trả các khoản chi phí duy trì hoạt động của trường nhưng không có nguồn thu do học sinh nghỉ dài.
Khoản phí nặng nhất mà trường phải trả trong thời điểm này là tiền thuê mặt bằng, lương giáo viên và các chi phí vệ sinh khử khuẩn lớp học.
"Tôi phải bỏ khoảng 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng/tháng, lương giáo viên khoảng 60 triệu đồng và một số khoản chi phí khác để vệ sinh lớp học, duy trì một số hoạt động của trường", chị Phương nói.
Cơ sở không có quỹ dự phòng thiên tai, dịch bệnh nên chị Phương phải vay mượn để duy trì và hỗ trợ lương tháng 2 cho giáo viên. Nếu tình trạng này còn kéo dài đến hết tháng 3, theo chị Phương "cơ sở khó mà trụ được". Hiện các giáo viên được hỗ trợ tạm thời, tạo điều kiện tìm việc khác làm thêm trong thời gian học sinh nghỉ tránh dịch.
Tương tự, chị Trần Thị Mai Hương, chủ nhóm lớp mẫu giáo với gần 60 học sinh và 10 giáo viên ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, cơ sở của chị cũng như nhiều cơ sở nhỏ lẻ khác trong quận đang gồng mình chịu hàng loạt khoản chi phí.
Lương giáo viên, bảo hiểm xã hội và tiền thuê mặt bằng là ba khoản chi chính mà hầu hết các cơ sở mầm non khác đang phải chi trả. "Nếu trong thời gian tới không tìm được giải pháp để duy trì hoạt động của trường thì tôi đành phải đóng cửa", cô Hương nói.
Video: Trường học dọn dẹp chuẩn bị đón học sinh trở lại sau nghỉ dịch