Chị V.T.M (quận Thanh Xuân, Hà Nội) suýt chút nữa mất đi đứa con gái H.K.V (7 tuổi) từ chuyện học thêm, dạy thêm. V có thành tích học tập tốt, gia đình đã thuê gia sư phụ đạo riêng tại nhà nên không có nhu cầu đi học thêm.
Không biết đây có phải là lý do khiến cô giáo chủ nhiệm ác cảm với con gái hay không, nhưng chị M. thấy con thường xuyên bị cô giáo đối xử theo kiểu bạo hành tinh thần. Chị kể, có lần cô giáo chủ nhiệm xé vở và đánh vào tay con. Con phải trốn vào nhà vệ sinh gọi điện cho mẹ khóc nức nở.
Một lần khác, cô giáo kể chuyện gia đình chị M trước lớp. Con chị chỉ biết cúi gằm mặt xuống bàn khóc. Đỉnh điểm cô giao bài kiểm tra yêu cầu kể một câu chuyện về bố. Không ngờ cô còn nói: “Riêng bạn V không cần làm vì bạn V không có bố”.
Nghe vậy, các bạn khác nhốn nháo quay sang hỏi: "Cô ơi, bạn thế V không có bố à”.
“Tôi không thể tưởng tượng giáo viên hơn 50 tuổi lại có thể cư xử và dùng những thứ gọi là nhục mạ để đánh vào tâm lý của đứa trẻ 7 tuổi”, chị M chua xót.
Tinh thần và sức khỏe của V ngày càng đi xuống. Thấy con như vậy, chị M làm đơn phản ánh lên ban giám hiệu và nhận được câu trả lời gọi là cho có: "Chúng tôi sẽ kiểm tra sự việc có đúng hay không? Nếu có thì cô giáo sẽ bị kỷ luật”.
Kết quả, 5 lần 7 lượt hòa giải không thành công, cô giáo kia vẫn ung dung đi dạy, còn chị M quyết định chuyển trường cho con. “Sau khi chuyển trường cháu vui hơn hẳn và không còn bị sức ép về tâm lý. Nếu biết như vậy, gia đình đã chuyển trường cho con sớm hơn”, chị M nói.
Hành vi sử dụng chiêu trò o ép học sinh đi học cần phải lên án. (Ảnh: V.N)
N.M.T (Thanh Trì, Hà Nội) đang học lớp 2 cũng từng chịu sức ép khủng khiếp từ giáo viên, vì lý do không đi học thêm. Cách đây vài ngày, anh N.T.D, bố của T làm đơn cho con xin nghỉ học và chuyển sang một ngôi trường khác.
T là học sinh ngoan ngoãn, lễ phép với lực học giỏi. Gia đình anh D. đặt nhiều niềm tin vào con gái. Anh D cũng đầu tư nhiều tiền cho việc học của con. Tuy nhiên việc học thêm ở trường, anh D. tuyệt đối nói không. Với anh, việc học thêm ở trường không chất lượng bằng việc thuê gia sư bên ngoài. Vậy tại sao phải học một lớp không hiệu quả, học phí lại cao? Ngoài ra, việc cho con đi học thêm để lấy lòng giáo viên là việc anh cực lực phản đối vì anh cho rằng sẽ dạy hư con mình thói xu nịnh, giả tạo.
Chuỗi ngày khủng hoảng tâm lý của T bắt đầu. Ban đầu chỉ là những lời nói bóng gió xa xôi mà một đứa trẻ lớp 2 không thể hiểu được. Tiếp theo là những hình phạt, nhưng câu nói mang tính chất “gây sự” của giáo viên.
Đau lòng hơn, T có dấu hiệu bị cô lập ngay trong lớp, làm việc gì cũng không vừa mắt giáo viên. Đôi lần, anh D. gặp ban giám hiệu và giáo viên để phản ánh sự việc nhưng kết quả mọi chuyện chỉ tạm ổn một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Bức xúc vì cách hành xử của trường và giáo viên, anh D làm đơn gửi Phòng Giáo dục. Trong thời gian chờ đợi câu trả lời, anh chủ động cho con xin nghỉ. Đứa trẻ vui sướng như được giải thoát khỏi gông cùm suốt bao lâu nay.
Câu chuyện của V và T không phải là trường hợp hiếm gặp, phản ánh mặt trái của việc dạy thêm, học thêm. Sự việc nữ sinh lớp 10 tại An Giang mới đây uống thuốc tự tử cũng được cho là bắt đầu từ câu chuyện không đi học thêm tại trường. Đây là hồi chuông báo động, cảnh tỉnh một số cá nhân vì lợi ích bất chấp o ép học sinh đi học.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ rất dễ bị tổn thương bởi những lời nói, tác động của người lớn. Trong độ tuổi từ 6 đến 10, trẻ như trang giấy trắng. Người lớn làm gì, nói gì đều ảnh hưởng đến nhân cách và sự phát triển của trẻ.
Việc bạo hành tinh thần bằng lời nói, hành vi…sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm. Trường hợp trẻ đi học, giáo viên cần phải có hướng tiếp cận nhẹ nhàng, ôn hòa, tránh lạm dụng những lời nói tiêu cực sẽ khiến trẻ bị tổn thương. Phụ huynh cũng cần chú ý đến bất kỳ sự thay đổi tâm lý, tinh thần của trẻ.
Theo Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, những chuyện lạm thu, dạy thêm hầu hết chỉ xảy ra ở các trường công lập, ít khi xảy ra ở trường tư thục. Bản thân thầy cực lực phản đối việc lạm dụng chiêu trò o ép học sinh đi học thêm. Đây là hành vi lệch chuẩn, sai quy định của Bộ GD&ĐT, làm trái đạo đức người thầy.
Ngoài ra, do cơ chế của các trường tư thục như một đơn vị cung cấp dịch vụ. Nếu phụ huynh, học sinh không hài lòng với việc giảng dạy hoàn toàn có thể dừng dịch vụ. Nhưng tại các trường công thì khác. “Việc dạy thêm, học thêm không dựa trên tinh thần tự nguyện mà sử dụng chiêu trò sẽ làm mất đi hình ảnh của người giáo viên trong mắt học sinh”, thầy Hòa nói.