Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học sinh Hàn Quốc thấy trống rỗng, áp lực sau kỳ thi đại học khắc nghiệt

Sau kỳ thi đại học quyết định tương lai, nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy trống rỗng, mất mục tiêu trước khi thấp thỏm về kết quả và bước sang hành trình mới áp lực hơn.

"Xã hội thường nhìn nhận một người dựa trên trường họ học. Học đại học tại địa phương bị đánh giá tiêu cực nên ai cũng cố vào trường ở Seoul”, Kim Hyun Kyung, thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi đại học (CSAT hoặc Suneung) ở Hàn Quốc, chia sẻ.

Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết bạn trẻ nước này - phấn đấu 12 năm để tìm kiếm một suất học tại SKY (ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc, ĐH Yonsei).

Tương lai phụ thuộc điểm số

Hàn Quốc là nước có dân trí cao, đồng thời số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp cũng ở mức rất lớn - hơn 5 triệu người.

Khi không phải đại học nào cũng là tấm vé đảm bảo thành công, người dân Hàn Quốc lại đẩy con cái vào cuộc đua SKY. Nhưng cuộc chiến này không dễ dàng, trong 70% người vào đại học, chỉ 2% trúng tuyển một trong 3 trường danh tiếng trên.

Điểm số tại kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung quyết định tương lai của thí sinh và gia đình. (Ảnh: Getty)

Vì thế, từ khi bắt đầu tiểu học, trẻ em Hàn Quốc phải sống dưới áp lực học tập nặng nề. Các em đến trường cả ngày, đi học thêm (phần lớn tiếng Anh) khi tan trường.

Hầu hết gia đình ở xứ kim chi dành 12% tổng thu nhập để đầu tư cho việc học của con. Cứ thế, guồng quay học tập, cạnh tranh, thi cử được khởi động từ những năm đầu đời. Việc trúng tuyển trường nào ảnh hưởng lớn đến triển vọng nghề nghiệp, cũng như tương lai của họ và gia đình.

Đỗ SKY là ngày trọng đại trong đời và được dành hẳn hơn 12 năm để mỗi người có sự chuẩn bị cẩn thận nhất. Kết quả Suneung sẽ quyết định "cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc".

“Em cảm thấy áp lực vô cùng. Từ năm lớp 1, em đã phải học thêm Toán sau khi tan lớp. Tiếp đó là giờ luyện đàn, múa. Học trong hay ngoài trường, em đều cảm thấy căng thẳng”, Jackie Yoo, 25 tuổi, nhớ lại.

Phụ huynh bắt con học thêm bất kể chúng cần hay không. Thậm chí, một đứa trẻ giỏi Toán vẫn phải đến trường phụ đạo môn này vì cha mẹ lo lắng, nếu không ép học hàng ngày, con sẽ tụt lại so với những bạn đang không ngừng nỗ lực vươn lên.

Trung bình mỗi ngày, học sinh Hàn Quốc dành 14 tiếng để học. Cường độ học tập của các em thậm chí khiến Tom Owenby - GS tại ĐH Beloit (Mỹ) từng dạy môn Tiếng Anh và Lịch sử tại nước này - khiếp sợ.

“Học sinh không cần tìm ra con đường riêng cho mình hay xác định bản thân là ai, muốn gì. Các em chỉ cần học giỏi hơn những người xung quanh. Đây thực sự là cách sống vô ích”, ông nhận xét.

Áp lực học hành, thi cử khiến học sinh Hàn Quốc sống không hạnh phúc. Thậm chí, khảo sát của Viện Cố vấn Thanh niên cho thấy 48% học sinh có ý định tự tử để thoát khỏi cuộc sống học tập và cạnh tranh không ngừng.

Nhưng những cái chết trẻ hay các bức thư tuyệt mệnh hoàn toàn không thể thức tỉnh dư luận. Người lớn vẫn khuyến khích, ép buộc hay dồn lực để con học.

Trống rỗng và áp lực

Kết thúc ngày thi tuyển sinh đại học đồng nghĩa việc họ được giải thoát sau 12 năm nặng nề. Nhiều thí sinh bước khỏi trường thi với gương mặt nhẹ nhõm nhưng cũng không ít người hụt hẫng.

“Em chuẩn bị cho kỳ thi này trong mỗi khoảnh khắc đến trường. 12 năm và thi đại học tốt là mục tiêu cuối cùng. Sau kỳ thi, em không biết phải làm gì với cuộc đời mình nữa”, một thí sinh trả lời Koreaboo sau ngày thi căng thẳng.

Nhiều thí sinh cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng sau Suneung - điểm kết cho 12 năm học hành gian khổ. (Ảnh: Flickr)

Một thí sinh khác chưa hết bàng hoàng, kỳ thi mất 12 năm dày công chuẩn bị trôi qua chóng vánh. Em bước khỏi trường thi, cảm thấy lạc lõng, trống vắng và mất hết động lực phấn đấu.

“Làm gì tiếp theo đây?” là câu hỏi đặt ra cho hàng trăm nghìn thí sinh hoàn thành CSAT. Họ có đủ điểm vào SKY không? Nếu không, họ sẽ tạm chấp nhận một trường bình thường hay nỗ lực thêm lần nữa cho kỳ thi năm sau?

Nhưng, tất cả chỉ là cảm xúc ban đầu. Sự nhẹ nhõm hay hoang mang đó chỉ trong chốc lát. Các em có thể thả lỏng bằng việc xé sách, ôm bạn bè, người quen, hú hét. Sau đó, những con người vừa thoát khỏi "gồng xiêng" lại trở về vòng trói buộc với áp lực phải thành công đè nặng trên vai.

Cả gia đình đặt tương lai vào điểm số từ Suneung đến suất học SKY. Khoảng 25% thí sinh Hàn Quốc quyết định thi lại, có người thi đến 5 lần cho đến lúc đạt kết quả như ý.

Thi lại tức là lại thêm một năm dành 14 tiếng mỗi ngày để học tại trường và trung tâm. Nếu vào đại học, họ sẽ dùng 4 năm đó để phấn đấu đạt thành tích tốt nhằm tìm việc làm sau khi ra trường.

Kể cả những thí sinh đủ giỏi, hoặc đủ may mắn, trúng tuyển SKY cũng không tránh khỏi áp lực vì cơ hội làm việc tại các tập đoàn lớn như Samsung, LG không nhiều.

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc vẫn loay hoay giải quyết cùng lúc nhiều bài toán xung quanh Suneung, bao gồm tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử, áp lực thi cử và tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên.

Năm 2015, Bộ trưởng Giáo dục nước này phát động chiến dịch khuyến khích học sinh trung học “làm việc trước, học sau” nhằm giải quyết các vấn đề trên. Tuy nhiên, nó không mấy hiệu quả. Xã hội vẫn nhìn nhận một người qua điểm số, bằng cấp, danh tiếng trường đại học của họ và các gia đình vẫn lao vào cuộc đua cho con vào trường hàng đầu.

Shin Gi-wook - GS Xã hội học, Giám đốc chương trình Hàn Quốc tại ĐH Stanford - nhận xét việc ép con trẻ học ngày học đêm tại nước này hoàn toàn không phải cách chuẩn bị tốt cho tương lai.

Theo ông, mỗi người dành 25 đến 30 năm đầu đời để học khiến họ dễ lâm vào khủng hoảng khi bước vào đời thực, vì cuộc sống vốn phức tạp hơn nhiều chứ không chỉ là những câu hỏi trắc nghiệm.

Kim Minji không học trường danh tiếng và được chọn vào tập đoàn của Anh bằng kinh nghiệm làm việc, thay vì kết quả từ một kỳ thi. Cô cho biết đến giờ, bản thân vẫn "ớn lạnh" khi nghĩ về quãng thời gian vùi đầu ôn luyện.

"Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ yêu thích và đầu tư cho việc học mà không cần phải ứng phó thi cử. Nhưng tôi biết chừng nào còn sống ở Hàn Quốc, các em vẫn phải luyện thi", Minji nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới