Năm nay, gần 30.000 học sinh Hà Nội không được vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập. Trong đó, nhiều học sinh điểm thi khá cao vẫn phải ngậm ngùi khi không tìm được suất vào trường công, trong đó không ít thí sinh 7,5 điểm/môn nhưng vẫn trượt tất cả các nguyện vọng ở đợt xét tuyển đầu tiên.
Cũng từng vạ vật xếp hàng để tìm suất học cho con tại trường THPT Hoàng Cầu nhưng không thành, gia đình chị T.H.H (quận Hai Bà Trưng) đau đầu vì không thể tìm chỗ học cho con.
“Với 37 điểm, con tôi trượt hết cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 ở đợt xét tuyển đầu tiên. Chúng tôi chờ đến đợt Hà Nội công bố điểm trúng tuyển bổ sung. Nhưng trớ trêu với 37 điểm, con cũng không đỗ vào trường nào trong khu vực tuyển sinh”, chị H. cho hay.
Khi biết trường THPT Bắc Lương Sơn (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) được phép tuyển sinh toàn thành phố với mức chưa đến 5 điểm/môn, chị H. quyết định đăng ký cho con trai học. Trường xa nhà nhưng con được học trường công, vợ chồng chị H. cũng đỡ áp lực về học phí.
“Từ nhà tôi đến trường THPT Bắc Lương Sơn 46km nên tôi quyết định cho con ở trọ. Cũng may khu vực ngoại thành nên chi phí thuê nhà và ăn uống không quá đắt đỏ, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mức phí này vẫn đỡ hơn so với việc con học trường tư trong nội thành.
Gia đình tôi cũng động viên con, trong hoàn cảnh này không có lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận”, chị H. cho hay.
Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet)
Cũng giống Trường THPT Bắc Lương Sơn, năm nay, Trường THPT Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) cũng được phép tuyển sinh toàn thành phố.
Trường được thành lập năm 2014 với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên diện tích đất gần 2ha, cách trung tâm thành phố 70-80km nhưng năm nào cũng lâm vào tình cảnh thiếu học sinh dù điểm chuẩn rất thấp. Theo đó, chỉ 17 điểm, thí sinh đã có thể trúng tuyển vào lớp 10.
Cũng trong cảnh con trượt hết các nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở đợt xét tuyển lần 1, trường tư cũng không đủ điểm để vào, gia đình anh N.V.L (quận Long Biên) chấp nhận cho con đi học ở một trường công lập cách nhà 80km.
“Con tôi được 7,4 điểm/môn cũng vẫn trượt hết các vào trường công. Ngay cả xét tuyển đợt 2, có trường hạ điểm chuẩn nhưng cũng con cũng không trúng tuyển trường nào. Con gái khóc lóc xin đi học tiếp, cực chẳng đã tôi đành nộp hồ sơ cho con học tại Trường THPT Minh Quang cách nhà 80km.
Cũng may, đây là trường công lập nên với mức thu nhập của công nhân như vợ chồng tôi cũng không quá áp lực. Nhiều khi nghĩ không lẽ chúng tôi phải chuyển nhà về Ba vì hay các huyện ngoại thành cho con cái thi cử, học hành đỡ khổ”, nam phụ huynh chia sẻ.
Đại diện Trường THPT Minh Quang cho biết nhà trường có mức điểm chuẩn không cao với mong muốn có thể tuyển hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn.
Tuy vậy đầu vào của trường vẫn có gần 15% em đạt mức điểm từ 30 - 42 điểm. Thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây, có 10% học sinh đỗ các trường ĐH top đầu và hơn 50% có mức điểm tổ hợp trên 20 điểm.
Được biết, năm nay Trường THPT Minh Quang và Bắc Lương Sơn lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 chỉ 17 điểm, tức là chỉ hơn 3 điểm/môn học sinh cũng có thể đỗ. Dù vậy trường vẫn thiếu cả trăm chỉ tiêu.
Sau đó, đến đợt xét tuyển nguyện vọng 2, nhà trường đề xuất với Sở GD-ĐT Hà Nội được tuyển sinh toàn thành phố đối với những học sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký và có điểm xét tuyển từ 18 trở lên. Điều này cũng tạo cơ hội cho các em học sinh Hà Nội có cơ hội được học tại các trường công lập.