Giải pháp tốt cho tình hình hiện tại
Hiện nhiều tỉnh, thành phố xây dựng, tổ chức các chương trình ôn tập kiến thức và giảng bài cho học sinh lớp 9 và 12 trên kênh truyền hình địa phương như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá...
Học sinh học trực tuyến tại nhà trong lúc tạm nghỉ do dịch Covid-19.
Theo ghi nhận, phương thức học này được nhiều học sinh và phụ huynh đón nhận. Một phần vì lượng kiến thức dễ hiểu, xúc tích, không bị lan man; phần khác vì đây là giải pháp ôn bài tập trung nhất cho học sinh trong giai đoạn tạm nghỉ này để các em không quên kiến thức.
Tuy nhiên, phương pháp học này cũng khiến không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng về chất lượng đánh giá học sinh sau mỗi tiết học. Phần lớn cha mẹ đặt câu hỏi liệu việc học này có được chấp nhận như học chính khoá tại lớp hay không?.
Thậm chí nhiều phụ huynh ở các tỉnh không tổ chức dạy trên truyền hình thắc mắc, các con có thể học theo bài giảng của Hà Nội và Nam Định hay không. Nếu chỉ có một số địa phương dạy học như vậy liệu có tạo ra độ vênh kiến thức với nhau?.
Sau khi tìm hiểu các địa phương triển khai phương thức đào tạo qua truyền hình, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, đây là giải pháp hữu hiệu có thể áp dụng đại trà.
Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần vào cuộc chỉ đạo thống nhất dạy học sinh đại trà trên sóng truyền hình cả nước, chứ không thể để địa phương nào muốn triển khai thì triển khai, không thì thôi. Điều đó dẫn đến sự thiếu đồng đều.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần sớm đề nghị các tỉnh thống nhất dạy học trên truyền hình là ôn bài cũ hay học tiếp nối chương trình mới như Hà Nội đang làm. Hàng loạt thắc mắc khác cũng được đặt ra như học sinh học qua truyền hình là bắt buộc hay tự nguyện? Học theo nhóm hay học cá nhân?.
"Bộ nên chỉ đạo nhà trường phải chủ động tham gia cùng tổ chức, quản lý việc học qua truyền hình mới có tính đồng bộ cao. Quan trọng nhất, hy vọng Bộ GD&ĐT sớm xem xét việc công nhận và khuyến khích hình thức học trên truyền hình trong mùa dịch”, TS Khuyến đề xuất.
Cần hành lang pháp lý để công nhận
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, đồng thời làm rõ giá trị kết quả học trực tuyến.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nền nếp, chất lượng.
Trong đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, phải đánh giá thực tế chất lượng dạy học online thì mới quyết định công nhận kết quả học tập bằng hình thức này hay không.
Ngày 2/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam gửi kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.
Một là, sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà.
Hai là, chỉ thị cho Bộ GD&ĐT công nhận kết quả học trực tuyến của các trường chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.
Phúc đáp lại kiến nghị trên, ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét kiến nghị cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT xem xét và sớm có kiến về việc này.
Video: Học sinh nghiêm túc tự học qua truyền hình tại nhà. (Thực hiện: Hà Cường)