Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoạt động xe buýt tại Tiền Giang 'bỏ thì thương, vương thì tội'

(VTC News) -

Tại tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiên liệu lại tăng giá, xe buýt bị thua lỗ, nhiều đơn vị kinh doanh xe buýt cho phương tiện ngừng hoạt động.

Qua gần 30 năm gắn bó với nghề vận tải hành khách đường bộ, Hợp tác xã (HTX) Thủy bộ cơ giới TP Mỹ Tho lâm vào tình cảnh khó khăn. Hiện tại, đơn vị này chỉ có 3/20 chiếc xe buýt hoạt động, số còn lại do vắng khách, giá xăng dầu tăng cao nên nằm bến.
 
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc HTX Thủy bộ cơ giới TP Mỹ Tho cho biết, các ô tô khách, ô tô tải của các thành viên cũng hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng này tiếp diễn nguy cơ HTX sẽ giải thể. 

HTX vận tải cơ giới TP Mỹ Tho chỉ còn vài xe buýt hoạt động nhưng vắng khách.

"Xe buýt khó khăn do không có khách đi, từ đó giờ Nhà nước không có trợ giá nhưng mà bây giờ Nhà nước hỗ trợ mình cái gì khi xe ra bến không có hành khách. Tôi thấy do khách không đi nên không có thu nhập được. HTX bây giờ cũng bí, không biết có giải pháp gì. HTX cũng triệu tập các thành viên họp mấy lần, khuyến khích anh em hoạt động nhưng anh em không hoạt động được. Kể như là người ta tự tìm công việc khác để sống thôi”, ông Nguyễn Văn Bé Ba cho biết.

Đoàn xe buýt của Công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang được đầu tư mới, có gắn máy điều hòa nhiệt độ nhưng vẫn chưa thu hút hành khách.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đa số người dân tỉnh Tiền Giang ngại đi xe buýt mà đi lại bằng phương tiện khác. Trong khi đó, giá xăng dầu ở mức cao, giá vé xe buýt không thay đổi dẫn đến thua lỗ nên nhiều chủ xe  ngưng hoạt động.

Công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang có 56 xe buýt đời mới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 36 xe hoạt động trong tình trạng vừa đủ chi phí. Trong 6 tháng cuối năm ngoái, khi dịch bệnh lắng dịu xe buýt của công ty tái hoạt động bị lỗ trên 2 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh hiện hết sức khó khăn. Chỉ riêng tiền vay mua phương tiện từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang còn nợ trên 10 tỷ đồng chưa có khả năng hoàn trả.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, công ty đã 3 lần gửi văn bản đến các ngành chức năng và UBND tỉnh kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như: giảm 50% tiền thuê đất, hỗ trợ 50% chi phí nhiên liệu trong 6 tháng cao điểm dịch bệnh, giảm lãi suất và giãn nợ vay của doanh nghiệp... Tuy nhiên đến nay, các kiến nghị này chưa được giải quyết nên hoạt động kinh doanh xe buýt đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội”.

Xe buýt tuyến Mỹ Tho - Mỹ Thuận của Công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang thưa khách.

"Mỗi ngày chạy chỉ có 4 chuyến, quá yếu luôn. Khách ít chứ không được nhiều như ngày xưa, chỉ đủ ăn chứ không có lãi. Buổi trưa ít khách, vào ngày thứ còn có người đi học hay đi khám bệnh này kia còn thứ Bảy, Chủ nhật đâu có ai đi, xe chạy nhiều khi không có người luôn”, ông Nguyễn Văn Nam nhân viên phục vụ xe buýt của Công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang chia sẻ.

Khó khăn của hoạt động xe buýt tại tỉnh Tiền Giang cơ bản do tác động của các yếu tố khách quan. Do đó, ngoài sự nỗ lực vượt khó của các tổ chức và cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng địa phương để "giữ chân" hoạt động xe buýt.

Nhật Trường (VOV-ĐBSCL)

Tin mới