Mở đầu bài kiểm tra thực hành môn Văn, thay vì đưa ra yêu cầu đọc văn bản và trả lời các câu hỏi, một giáo viên tại Bình Dương đưa câu nói nổi tiếng trên mạng xã hội trong thời gian gần đây thành lời đề dẫn.
Ngay cả tên của giáo viên cũng được lồng ghép vào đề: "Ôi Hoàng tử, xin hãy tha thứ cho người em gái bị mắc lời nguyền, chính thiếp yêu cầu cô Hậu cho đoạn văn sau, hãy đọc và trả lời các câu hỏi". Phần sau của đề kiểm tra trích một đoạn trong bài "Mạo hiểm" của nhà văn Nguyễn Bá Học và các câu hỏi để học sinh trả lời như đề thi thông thường.
Đề bài được chia sẻ trên diễn đàn học tập khiến nhiều học sinh bất ngờ. "Không ngờ cô lồng ghép tài tình quá, giáo viên bắt 'trend' còn đỉnh cả giới trẻ", bạn Hà Giang bình luận.
Học sinh nhận xét giáo viên bắt 'trend' rất khéo léo, đề vừa có yếu tố hài hước, bất ngờ nhưng vẫn không ảnh hưởng đến nội dung: "Tưởng không logic nhưng rất ăn nhập với đề", "nghe thì rất vô lý nhưng lại cực thuyết phục", "chỉ ước cô giáo dạy Văn mình được tý hài hước như vậy".
Đề bài thực hành của lớp 10, trường THPT Võ Minh Đức (Bình Dương). (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Ngọc Hà, học sinh chia sẻ đề thi này cho hay đây là đề bài thực hành của lớp 10, trường THPT Võ Minh Đức (tỉnh Bình Dương) trong ngày 15/1.
"Trong lớp chúng em hay lấy câu nói này ra đùa nhưng khi đọc bài kiểm tra cũng có câu này thì ban đầu rất buồn cười. Chính vì thế nên chúng em làm bài rất thoải mái. Cô giáo dạy Văn lớp em rất trẻ trung nên thường có những đề kiểm tra độc đáo như thế này", Hà nói.
Cô Nguyễn Phúc Hậu, giáo viên dạy Văn, trường THPT Võ Minh Đức xác nhận đây chính là đề bài thực hành tại cô đưa ra cho học sinh lớp 10 để ôn lại kiến thức.
Nói về việc giáo viên ra đề thi lồng ghép thêm một số hiện tượng trên mạng xã hội, cô Hậu cho rằng điều đó rất thú vị, khơi dậy sự sáng tạo của học sinh nếu được áp dụng hợp lý.
"Mình thấy học sinh rất thích khi tiết học, đề thi được lồng ghép một số câu nói, hình ảnh, đoạn nhạc nào đấy đang mang tính xu hướng. Mình cảm nhận rõ rằng học sinh hứng thú và năng động, đỡ áp lực hơn nhiều. Nhưng giáo viên cũng không nên quá lạm dụng mà nên chắt lọc, sử dụng 'trend' một cách hợp lý", cô Hậu cho hay.
Theo cô, hình thức đề kiểm tra chung vẫn nên chỉn chu. Giáo viên áp dụng vừa đủ để tạo không khí vui vẻ, thân thiện với học trò nhưng vẫn không đánh mất sự nghiêm túc cần có ở người thầy và việc giảng dạy.
Thời gian gần đây, câu "Ôi hoàng tử, hãy tha thứ cho người em gái bị trúng lời nguyền..." xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và được biến tấu thành nhiều dạng khác nhau. Câu nói này xuất phát từ câu hát của nhân vật có tên Fiona trong truyện "Kim cương và tiếng ếch ộp" khi giãi bày với hoàng tử: “Ôi hoàng tử, hãy tha thứ cho người em gái bị trúng lời nguyền, chính là thiếp đã hát bài đó, em gái đã nhận lấy hậu quả rồi. Xin đừng làm mọi việc tồi tệ hơn”.