Khu mộ địa nhỏ bé, trầm mặc nằm một góc trong khu vườn chùa Từ Hiếu, thuộc thôn Dương Xuân, xã Hương Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
Thái giám chỉ chiếm số lượng nhỏ trong xã hội phong kiến và không thuộc về một giai cấp nào trong xã hội. Họ suốt đời chỉ ở trong cung cấm và chỉ là những kẻ nô bộc tầm thường. Tuy nhiên, họ luôn được cận kề bên vua chúa nên họ nắm trong tay một quyền lực vô hình. Họ sống khác người và cái chết của họ cũng thật khác người.
Trong cuộc sống xô bồ của phố thị, có một khu mộ địa dành riêng cho các thái giám mà rất ít người biết đến. Khu mộ địa nhỏ bé, trầm mặc nằm một góc trong khu vườn chùa Từ Hiếu, thuộc thôn Dương Xuân, xã Hương Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
|
Rêu phong, cỏ cây, rác rưởi bao phủ càng khiến cho những ngôi mộ thái giám càng trở nên hiu quạnh. |
Thân phận "không đàn ông cũng chẳng đàn bà"
Nhìn cảnh tượng 25 nấm mồ của các những thái giám rêu phủ giữa chốn u tịch khiến những ai đến thăm không khỏi chạnh lòng. Vẻ trầm mặc rêu phong cùng những câu chuyện, những thân phận đằng sau cánh cửa vàng son càng khiến cho hậu thế không khỏi day dứt. |
Ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Đông, chế độ phong kiến Việt Nam cũng tuyển chọn thái giám (còn gọi là hoạn quan) để giám sát, hầu hạ đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa và là người sai vặt của vua. Bởi vậy, những thái giám phục vụ trong cung phải chấp nhận thân phận "không đàn ông cũng chẳng đàn bà".
Trong lịch sử Việt Nam cũng có những vị thái giám để lại tiếng tăm cho đời. Họ được tham gia triều chính, tuy nhiên còn phụ thuộc vào sự thịnh vượng của vương triều và vị vua của họ. Điển hình như vị anh hùng - danh tướng Lý Thường Kiệt cũng là hoạn quan dưới ba triều vua Lý. Hoặc như Tả quân Lê Văn Duyệt... Tuy nhiên số đó rất hiếm hoi.
Khu mộ địa mà trong bài viết này đề cập hầu hết đều là những thái giám thuộc triều Nguyễn. Trong vương triều nhà Nguyễn, đội ngũ thái giám cũng được tuyển rất nhiều. Tùy từng vị vua mà có số lượng nhiều hay ít. Sau khi vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, chính thức lên ngôi, việc tuyển thái giám không còn nữa. Các thái giám được tuyển từ những đời vua trước đó sống ở trong cung chỉ lo việc quét dọn sân vườn, chăm cây cảnh chứ không còn phải lo việc "chăn gối" cho vua nữa.
Sau khi phục vụ trong vương triều, về cuối đời các thái giám triều Nguyễn phải cư trú ở một ngôi nhà phía Bắc hoàng thành gọi là Cung Giám viện. Họ không được chết ở những chốn linh thiêng như trong Đại nội hoặc bên lăng tẩm các vị vua. Để chống đỡ sự tuyệt tự và cô độc, neo đơn của tuổi già, nhiều thái giám đã xin nhận con nuôi để có người hương khói sau khi chết.
Số khác chọn cách lấy vợ, do mất khả năng sinh con, họ lấy phụ nữ già để bầu bạn những tháng ngày cuối đời. Một số ít thái giám may mắn hơn thì về quê sống với họ hàng. Cũng có những vị thái giám, vì lo lắng không có chốn khi nằm xuống, bát hương sẽ lạnh trong ngày giỗ nên khi còn sống họ đã liệu tính cho mình một nơi an nghỉ.
Trong xã hội phong kiến, thái giám không thuộc về giai cấp nào, họ suốt đời gần như chỉ ở trong cung cấm. Bởi vậy, tên tuổi của những thái giám triều Nguyễn ít khi được nhắc đến. Sử sách viết về thái giám cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những gì còn lại về thái giám triều Nguyễn cho đến ngày nay chỉ là khu mộ địa nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu nói trên.
Khu mô địa duy nhất Việt Nam
Nằm gần chốn phồn hoa đô hội, ồn ào và náo nhiệt, chùa Từ Hiếu vẫn trầm mặc như thuở ban đầu vốn có. Các ngôi mộ hoạn quan rêu phong phủ kín, không gian vắng lặng không một bóng người qua lại. Ai từng một lần đến thăm khu mộ địa của những thái giám cũng không khỏi bùi ngùi xót xa. Hơn thế, có những du khách vô ý còn cố tình vẽ lên trên nền mộ rêu phong những nét vẽ nguệch ngoạc đến vô tâm. |
Cách thành Huế khoảng chừng 7km về phía Tây Nam, chùa Từ Hiếu tọa lạc trên một vùng đồi núi, có phong cảnh trầm mặc, u tịch của chốn Phật. Cách ngôi chính điện của chùa khoảng 50m về hướng trái là khu mộ địa của các vị thái giám trong không gian tĩnh mịch đến u buồn.
Theo những tài liệu các nhà nghiên cứu Huế cho biết, năm 1943, dưới thời vua Thiệu Trị, thái giám Châu Phước Năng đã đứng ra quyên góp tiền trùng tu chùa Từ Hiếu - một ngôi chùa khá nổi tiếng, lấy đó làm chốn an nghỉ cuối cùng.
Đến năm 1893, nhiều thái giám dưới triều vua Thành Thái tiếp tục đóng góp tiền của để tu sửa lại chùa. Thành lệ, hàng năm các thái giám đều góp phần công đức để sau khi chết, họ được nhà chùa mai tang và cúng giỗ. Chùa Từ Hiếu dần trở thành nơi an nghỉ của các thái giám triều Nguyễn. Tuy nhiên, không phải tất cả thái giám đều được chôn tại đây.
Theo sự khảo sát rất tỉ mỉ của các nhà Huế học: Khu mộ hình chữ nhật với diện tích gần 1.000m2, có chiều dài 26,03m và rộng 19,05m. Được bao quanh bởi bốn bức tường dày 0,79m; cao 1,78m. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám.
Các ngôi mộ có 3 dãy, hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan Thái giám xưa. Số mộ đếm được là 25 ngôi, có 2 ngôi mộ gió chưa có Thái giám nào được chôn. Trong đó, 21 ngôi còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất.
Rõ ràng nhất là bia số 22 (ở dãy trong cùng) có khắc: Hoàng triều Cung Giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Mất ngày 15 tháng Giêng năm Khải Định thứ V (1920).
Nhiều bia mộ khác vẫn còn đọc rõ chữ. Xúc động nhất là tấm bia ký sắc nằm ở phía mặt tiền. Bia chỉ cao quá 1m, rộng hơn 0,5m nhưng nội dung khiến người đọc không khỏi xót xa: "Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu.
Nhận thấy ở góc thành phía Tây Nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để thường năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài. Và ngày thường cùng bằng hữu nếu ai ốm đau có chỗ ra vào dưỡng bệnh, khi nằm xuống có chỗ tống táng".
Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do học giả - đại thần Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của Thái giám triều Nguyễn: "Trong khi sống chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh".
Nhìn cảnh tượng 25 nấm mồ của các những thái giám rêu phủ giữa chốn u tịch khiến những ai đến thăm không khỏi chạnh lòng. Vẻ trầm mặc rêu phong cùng những câu chuyện, những thân phận đằng sau cánh cửa vàng son càng khiến cho hậu thế không khỏi day dứt.
|
Một góc khu mộ địa thái giám tại chùa Từ Hiếu. Ảnh: TG |
Rớt nước mắt trước những ngôi mộ bị lãng quên
Một thời vàng son đã khép lại, mỗi khi nhắc đến Huế, nhiều người vẫn còn nhớ khá rõ về những giai thoại về các vị vua chúa, quan lại triều Nguyễn... Thế nhưng, nhắc đến thân phận thái giám rất ít ai để ý đến. Nhiều du khách đến thăm Huế, thăm chốn thần kinh, lăng tẩm nhưng ít ai biết đến những thái giám vốn là những người góp phần quan trọng trong việc cai quản dưới thời các triều đại. Những gì còn lại đối với những thái giám chỉ còn lại chút ngậm ngùi, thương xót cho những kiếp người "sống cô độc, chết trong hoang lạnh".
Theo tục lệ, hàng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có thái giám triều Nguyễn. Còn những ngày bình thường, khu mộ địa vắng bóng, ít người qua lại. Mặc dù nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu nhưng khách thập phương chỉ quan tâm đến cúng bái, hành hương, ít ai để ý đến những ngôi mộ này.
Nếu không có các sư của chùa quét dọn và hương khói thì chắc các ngôi mộ này đã bị hủy hoại theo thời gian. Cuộc đời của những thái giám khi còn sống phải chịu thân phận hầu hạ trong bốn bức tường của cung cấm, khi cuối đời cũng phải chịu số kiếp cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của khu mộ địa vắng lặng này.
Những vị sư trong chùa cho biết, "ngày thường rất ít người ghé vào khu mộ địa này. Chỉ thi thoảng, một vài người họ hàng của các vị thái giám vào đây thắp hương. Tuy nhiên, họ cũng vội đến rồi lại vội về, mất hút dưới những tán rừng thông. Dường như họ không muốn ai biết mình có bất cứ mối quan hệ nào với thái giám hay nghe ai hỏi về cuộc đời của những con người "sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận".
Lê Quyết - GĐXH