Trong số nhân vật phụ của Hoàn Châu cách cách, hoàng hậu là vai diễn để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả. Đây là vị hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long, vẫn được gọi là Kế Hoàng hậu. Người thủ vai này là nữ diễn viên Đới Xuân Vinh.
Con gái xa lánh vì mẹ diễn quá đạt
Đới Xuân Vinh sinh năm 1961 tại Thiểm Tây, Trung Quốc. Gia đình nhiều đời làm nghề giáo nên từ nhỏ, Xuân Vinh được bố mẹ định hướng làm giáo viên. Tuy nhiên, cô bé sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với nghề diễn từ khi 11 tuổi. Để được đi con đường mình chọn, Xuân Vinh cố gắng học hành chỉn chu, sau khi thỏa thuận với bố mẹ rằng nếu đạt loại ưu khi tốt nghiệp trung học thì sẽ được học nghề diễn.
Diễn viên Đới Xuân Vinh.
Thành tích học tập đạt đúng như cam kết, Đới Xuân Vinh được gia đình đồng ý cho dấn thân vào con đường diễn xuất chuyên nghiệp khi bước sang tuổi 19. Nét sắc sảo, đài các đem lại cho cô gái vẻ quý tộc, quyền lực, do đó các đạo diễn thường giao cho Đới Xuân Vinh của cô các vai mệnh phụ phu nhân, hoàng hậu, thái hậu... Đây là loại vai "đóng đinh" cho nữ nghệ sĩ trong cả sân khấu lẫn phim ảnh.
Có thể kể đến các vai dạng này của Xuân Vinh như: Hứa Hoàng hậu trong Hán cung Phi Yến, Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu phim Nhất sinh vi nô, Lữ hậu trong Mỹ nhân tâm kế., Vai diễn để lại ấn tượng khó phai mờ nhất chính là Kế Hoàng hậu trong Hoàn Châu cách cách. Nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết, bà tin không ai diễn vai này tốt hơn Đới Xuân Vinh nên đã nhiều lần gọi điện trao đổi để thuyết phục nữ nghệ sĩ nhận lời.
Kết quả, vai Kế Hoàng hậu được thể hiện xuất sắc đến nỗi nhân vật này bị khán giả ghét cay ghét đắng, và diễn viên cũng bị ghét lây. Trong khi các diễn viên khác của Hoàn Châu cách cách, kể cả dàn diễn viên phụ, đều được yêu mến, ngưỡng mộ thì diễn viên đóng Hoàng hậu và Dung ma ma bị ghét bỏ, hắt hủi. Đới Xuân Vinh kể: “Thời điểm khi phim công chiếu, tôi phải thuê vệ sĩ vì sợ bị tấn công. Trước đó, cũng có người quá khích từng xông đến dọa đánh tôi và chị Lý Minh Khải đóng vai Dung Ma Ma khi chúng tôi xuất hiện trên phố".
Đới Xuân Vinh trong "Hoàn Châu cách cách".
“Quả thật quá trình quay phim và phát sóng vài tập đầu khiến tôi chán nản. Khi ấy, tôi cũng đã là diễn viên tên tuổi, có sự nghiệp riêng, vậy mà chịu số phận bị ghẻ lạnh", Xuân Vinh tâm sự. Dù buồn nhưng nguyên tắc nghề nghiệp giữ cho bà nỗ lực đến khi phim đóng máy.
Buồn nhất là chính đứa con gái yêu cũng "quay lưng" với mẹ. Khi đi học, cô bé bị bạn bè trêu chọc, giễu cợt vì vai diễn của mẹ. Bản thân bé cũng ghét hình ảnh hoàng hậu độc ác trên phim và hâm mộ các vai chính diện như Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, Ngũ A Ca… Đới Xuân Vinh cho biết bà bị con gái xa lánh: “Con gái tôi thường khóc và hỏi tại sao mẹ hiền thế lại đóng nhân vật ác như vậy, con ghét mẹ lắm. Tôi chẳng biết nói sao cho con hiểu, chỉ im lặng lắng nghe con khóc".
Khi dần trưởng thành, con gái nữ nghệ sĩ hiểu và cảm thông nghề nghiệp của mẹ, từ đó yêu công việc diễn xuất và muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Cô chính là Hác Hạc Phàm, người đóng vai a hoàn trong Khuynh thế hoàng phi. Tuy nhiên, có vẻ tổ nghề không đãi Hác Hạc Phàm, cô không thành công trong nghề diễn xuất lẫn ca hát nên nhanh chóng rời làng giải trí và lấy chồng.
Đới Xuân Vinh và con gái.
Hết bị ghét khi Kế Hoàng hậu được giải oan
Thời điểm Hoàn Châu cách cách đang gây sốt, Đới Xuân Vinh từng nhiều lần thanh minh cho nhân vật của mình nhưng chẳng ai nghe bà. “Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ hoàng hậu là người không có tâm cơ, thẳng thắn. Nhưng năm đó, phim ra mắt, ý kiến của tôi không có ai đồng tình. Nhân vật hoàng hậu đã phải mất 20 năm mới được minh oan”, nữ diễn viên kể.
2 thập kỷ sau khi phim phát sóng, Đới Xuân Vinh mới thở phào coi như mình được giải oan khi hình ảnh vị Kế Hoàng hậu của vua Càn Long trong lòng công chúng hoàn toàn thay đổi. Đó là nhờ bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, trong đó Châu Tấn vào vai Kế Hoàng hậu. Hoàn toàn trái với hình ảnh độc ác trong Hoàn Châu cách cách, nhân vật này được xây dựng là người hết lòng hết dạ yêu Càn Long, nhiều lần chịu uất ức vì cuộc chiến chốn thâm cung, luôn làm tròn bổn phận của một chủ hậu cung và một người vợ.
Bức chân dung được cho là Kế Hoàng hậu của vua Càn Long, hiện trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Dole, Pháp.
Về sự thật kịch sử, Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị vốn là một phi tần được Hoàng đế Càn Long cực kỳ sủng ái. Khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, bà được phong Hoàng quý phi cai quản hậu cung. Đại lễ tấn phong Hoàng quý phi của bà không khác gì đại lễ phong Hoàng hậu. Vua cũng dùng từ “sách lập” vốn chỉ dùng cho hoàng hậu, thay vì từ “sách phong” dành cho các phi tần. Na Lạp thị cũng được mặc trang phục màu minh hoàng, vốn chỉ có vua, thái hậu và hoàng hậu được dùng. Hai năm sau, dù dù chưa hề có con cái trong khi nhiều vị phi khác đã có hoàng tử, Na Lạp thị được phong Hoàng hậu.
Mọi chuyện êm đẹp cho đến 15 năm sau, khi bà theo vua tuần du phía nam. Lúc đó Càn Long vẫn còn rất sủng ái hoàng hậu, liên tục hạ chỉ thưởng hoặc tặng đồ ăn cho bà, thậm chí tổ chức tiệc linh đình mừng sinh nhật 48 tuổi cho bà. Bỗng nhiên một ngày người ta không thấy hoàng hậu xuất hiện nữa. Bà bị vua cho người đưa về cung, từ đó bị giam lỏng, thu hồi tất cả kim sách từng ban, giảm số người hầu hạ. Đến khi qua đời ở tuổi 49, bà vẫn bị Càn Long ngó lơ. Bà chỉ được táng theo nghi thức của Hoàng quý phi.
Về nguyên nhân Kế Hoàng hậu bị thất sủng, có nhiều tài liệu cho rằng không biết vì mâu thuẫn gì mà bà có hành động quyết liệt đoạn tình với hoàng đế, đó là tự cắt phăng mái tóc của mình, một điều cấm kỵ (theo quy định nhà Thanh, phi tử chỉ được cắt tóc khi có tang). Còn chỉ dụ của Càn Long khi hoàng hậu mất có nêu lý do: "Hoàng hậu từ khi sắc lập tới nay, chưa từng làm gì sai trái. Mùa xuân năm trước, trẫm cung phụng Hoàng thái hậu tuần du Giang Chiết, đúng ra là việc vui mừng, nhưng Hoàng hậu tính khí thay đổi, không thể giữ hiếu đạo với Thái hậu. Khi đến Hàng Châu, hành động sai trái, cử chỉ điên loạn. Vì vậy trước lệnh cho Hoàng hậu hồi kinh, ở trong cung hối lỗi.
Sau Hoàng hậu phát bệnh, ngày càng nguy kịch, mất đi tính mạng. Việc này là do Hoàng hậu phúc phận nông cạn, không thể dựa vào Thánh mẫu từ quyến, cũng là do Trẫm thường ban cho ân lễ mà nên nỗi. Luận việc Hoàng hậu hành sự thất thường như vậy, đương nhiên có thể phế truất, nhưng trẫm vẫn giữ lại vị hiệu, đã là phá lệ rộng rãi. Về tang lễ, tất nhiên không thể cứ theo Hiếu Hiền hoàng hậu mà xử lý, nên lấy lễ an táng Hoàng quý phi mà làm".
Như vậy, Kế Hoàng hậu trong lịch sử không hề độc ác như được miêu tả trong phim Hoàn Châu cách cách, kết thúc đáng buồn của bà cũng không phải là sự trả giá cho tội ác đối với các công chúa hay cung nhân, phi tần.
Đới Xuân Vinh là người có nhiều đóng góp cho sân khấu kịch Trung Quốc.
Trở lại với Đới Xuân Vinh, ở tuổi xế chiều, bà vẫn hoạt động nghệ thuật. Cuối năm 2018, bà tham gia phim bom tấn Diên Hi công lược, đóng vai mẹ của Kế Hoàng hậu. Bà cũng từng là Giám đốc Nhà hát kịch Thiểm Tây, được đánh giá là có đóng góp lớn cho sân khấu kịch Trung Quốc. Bà có cuộc hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng dù lấy nhau nhiều năm nhưng tình cảm vẫn mặn nồng. Ông xã thường mang cơm canh đến trường quay cho vợ khi bà bận đóng phim, còn bà luôn đợi cửa đến khuya những lúc ông bận việc về muộn. Hai người đều rất hài lòng với cuộc sống.