Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoàng Anh Gia Lai lỗ nặng, bầu Đức phải cho vay 2.500 tỷ đồng

Dù nhận được sự hậu thuẫn đáng kể về tài chính, quản trị từ Thaco nhưng kết quả kinh doanh trong quý II/2019 của Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục sa sút.

Theo giải trình báo cáo tài chính mới đây của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong quý II/2019, doanh nghiệp của bầu Đức tiếp tục có kết quả kinh doanh sa sút. Cụ thể, lỗ trước thuế quý II/2019 của tập đoàn là 678 tỷ đồng, bao gồm lỗ kinh doanh 329 tỷ đồng và lỗ khác 358 tỷ đồng.

Theo đó, trong quý II, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của HAGL giảm mạnh tới 1.375 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ còn đạt 513 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân được lãnh đạo Tập đoàn HAGL lý giải xuất phát từ sự hụt thu của khoản doanh thu từ khu phức hợp HAGL - Myanmar khiến doanh thu cung cấp dịch vụ cho thuê và dịch vụ khác giảm 272 tỷ đồng, còn 63 tỷ đồng.

 Giải trình BCTC của Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, nguồn thu từ chanh dây giảm đã kéo theo doanh thu từ trái cây của tập đoàn này giảm tới 522 tỷ đồng, xuống 408 tỷ đồng trong quý II vừa qua. HAGL cho biết, trong kỳ này, tập đoàn chủ động điều tiết mùa vụ, không thu hoạch nhiều so với cùng kỳ năm 2018.

Việc chuyển đổi diện tích trồng ớt sang trồng các loại cây dài ngày cũng khiến HAGL mất đi doanh thu từ ớt (quý II năm 2018, khoản này đạt 359 tỷ đồng song quý II năm nay không phát sinh).

Trong khi đó, chủ trương tập trung đầu tư cây ăn trái lại dẫn đến giảm mạnh nguồn thu bán sản phẩm, hàng hoá (giảm 181 tỷ đồng, còn 25 tỷ đồng). Doanh thu bán bò cũng giảm 38 tỷ đồng và không còn phát sinh trong quý II vừa rồi.

Theo giải thích từ ban lãnh đạo công ty, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lỗ từ hoạt động kinh doanh là do chi phí lãi vay cao, phân bổ lợi thế thương mại trong kỳ và chi phí vận chuyển tăng.

Về các khoản lỗ khác, lý do chính là tập đoàn đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái.

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan, báo cáo công bố lần này cũng cho thấy HAGL đang phải "vay tạm" ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty, gần 2.500 tỷ đồng để duy trì hoạt động kinh doanh. Trong đó, bầu Đức cho công ty mượn ngắn hạn hơn 1.500 tỷ và mượn dài hạn hơn 992 tỷ đồng. Tổng khoản mục phải trả khác của HAGL đến cuối quý II/2019 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với đầu năm.

Tính đến cuối tháng 6, HAGL có tổng tài sản hợp nhất đạt 49.206 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả của công ty đã tăng gần 3.000 tỷ, hiện ở mức 34.168 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 2.867 tỷ đồng so với đầu năm.

Cao su là mảng kinh doanh duy nhất của HAGL ghi nhận tăng trưởng trong kỳ này. Tính đến cuối năm 2018, HAGL duy trì chăm sóc hơn 47.100 ha cao su. Trong đó gồm 21.789 ha tại Campuchia, 20.361 ha tại Lào, và 4.972 tại Việt Nam.

HAGL cũng đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi khi đó cao su sẽ trở thành mảng kinh doanh lớn thứ 2 của HAGL sau trái cây.

Hiện tại, hầu hết doanh thu của HAGL đều đến từ hoạt động nông nghiệp tại công ty con HAGL Agrico.

HAGL Agrico chính là công ty đóng vai trò trung tâm trong hợp tác kinh doanh giữa ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải - Thaco thời gian qua.

Bằng Lăng

Tin mới