Đề xuất hoãn V-League 2021 sang năm 2022 đã được Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông qua. Nếu được VFF phê duyệt, V-League 2021 sẽ trở thành mùa giải dài nhất lịch sử.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bóng đá Việt Nam cấp độ CLB đã đóng băng trong nhiều tháng, gây ra tổn thất nặng nề cho các CLB. Việc hoãn V-League dài hạn sẽ đẩy nhiều đội bóng vào thế khó xử hơn nữa.
VPF chưa hỏi ý kiến CLB
Không ít CLB V-League bất ngờ trước đề xuất hoãn V-League sang năm 2022 của VPF. CLB là yếu tố quan trọng cấu thành hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Việc hoãn, hủy hay tiếp tục V-League ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của CLB, trong đó có tổ chức ăn, ở, tập luyện cũng như lên phương án tài chính trang trải hoạt động.
V-League được đề xuất hoãn sang năm 2022.
Song, nhiều đội bóng chỉ biết việc hoãn giải sau khi đề xuất được ban hành bằng văn bản và thông qua báo chí. Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một đội bóng trong Nam khẳng định VPF không tham khảo ý kiến CLB, khiến nhiều đội bóng rơi vào thế bị động.
"Trước khi ra quyết định, VPF cần có sự đồng thuận của các CLB chuyên nghiệp trong hệ thống bóng đá Việt Nam. Các CLB là thành tố tạo nên giải đấu. VPF đại diện cho ý chí của các CLB chuyên nghiệp, nhưng không có nghĩa là quyết định vấn đề mà không hỏi ý kiến đội bóng", lãnh đạo này khẳng định.
Tổng giám đốc Trương Mạnh Linh của SLNA cũng đề cập đến việc nhiều đội bóng không được tham khảo ý kiến, dù mọi vấn đề liên quan đến công tác tổ chức giải ở thời điểm dịch bệnh đều liên quan đến quyền lợi sát sườn của các CLB.
"Phiếu thăm dò cho ý tưởng dời lịch V-League 2021 không được gửi đến SLNA mà chỉ nội bộ thành viên hội đồng quản trị VPF. Nhưng tôi trao đổi với đại diện một số đội bóng khác và thấy rằng tất cả đều có nhận thức chung: nếu được tốt nhất tổ chức giải đá ngay để tránh phát sinh chi phí", ông Linh nhấn mạnh.
SLNA (áo đỏ) là một trong những đội không được hỏi ý kiến về đề xuất hoãn V-League.
Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng cũng cho rằng việc hoãn V-League tạo ra gánh nặng kinh tế lớn. Đa số các CLB V-League được hỏi đều không đồng tình với đề xuất của VPF.
"Các đội sẽ chịu tổn thất nặng nề về kinh tế, ít cũng phải 10 tỷ đồng. Bình thường, giải đá đến tháng 8, 9 là xong, lúc đấy các đội đàm phán hợp đồng với các cầu thủ.
Nếu không đá mà vẫn nuôi quân sang tận tháng 2 năm sau, nhiều đội sẽ khó khăn, mà không chắc được đến lúc đấy có đá tiếp được hay không. Biết là VPF đang ở thế khó, nhưng nếu quyết định như thế thì rất bất cập", ông Hoàn khẳng định.
Khó đàm phán hợp đồng
Một vấn đề khác nảy sinh là hợp đồng cầu thủ. Thông thường, thời điểm kết thúc hợp đồng của cầu thủ với CLB chủ quản được ấn định là vào cuối mùa giải, được hiểu là tháng 9, 10 hoặc 11 hàng năm. Nếu giải đấu kéo dài sang tháng 2/2022 (hoặc lâu hơn), các CLB buộc phải đàm phán lại hợp đồng.
Đơn cử như có những cầu thủ hết hạn hợp đồng trong năm 2021. Nếu giải đấu kéo dài sang năm 2022, cầu thủ có quyền chuyển sang CLB mới không, hay hợp đồng được tự động gia hạn đến khi V-League 2021 khép lại. Điều này tạo ra tình huống khó xử giữa CLB và cầu thủ.
Chia sẻ với VTC News, HLV Nguyễn Huy Hoàng của SLNA khẳng định VPF cần quyết định và thông báo sớm để các CLB có thể chủ động gỡ rối tình hình.
Các CLB gặp khó khi đàm phán hợp đồng với cầu thủ.
"SLNA có nhiều cầu thủ mãn hợp đồng trong năm nay. Họ chỉ ký đến tháng 10, hoặc cùng lắm là tháng 12/2021. Khi ấy, hoặc là CLB gia hạn hợp đồng, hoặc là cầu thủ tìm đội bóng khác.
Nếu cầu thủ đã đàm phán với đội bóng khác, mà SLNA không thương thảo lại hợp đồng, thì sang năm 2022 họ có quyền chơi cho đội bóng đó không?
Hoặc cứ cho là giải đấu kéo dài, SLNA muốn lấy cầu thủ ở các CLB khác về trong năm 2022. Nếu họ hết hợp đồng với CLB cũ rồi và chuyển sang SLNA, thì họ có được thi đấu cho chúng tôi ở V-League 2021 không?
Ban tổ chức giải sẽ ban hành quy chế thôi, nhưng ban huấn luyện cần biết để chuẩn bị lực lượng, quân số cho các trận tiếp theo", HLV Huy Hoàng chia sẻ.
Lãnh đạo một đội bóng khác ở V-League cũng khẳng định việc ký hợp đồng với cầu thủ, nhất là ngoại binh, sẽ gặp rào cản lớn nếu giải đấu kéo dài sang năm 2022, từ đó gây ra hậu quả kinh tế khó lường.
CLB TP.HCM (áo đỏ) vừa đầu tư cho ngoại binh.
"Chủ tịch Văn Trần Hoàn đề cập đến con số 10 tỷ đồng thiệt hại nếu V-League nghỉ lâu, nhưng mỗi CLB mỗi khác. Nhiều CLB trả lương cầu thủ cao hơn sẽ chịu thiệt hại lớn hơn nữa", lãnh đạo này nhấn mạnh.
Sau cùng, các CLB mong muốn VPF, VFF cần có kế hoạch tổ chức để chủ động ứng phó với tình thế. Giải pháp khả thi nhất vẫn là kết thúc V-League trong năm 2021.
"Giữa CLB, HLV và Hội đồng HLV quốc gia cần có những chia sẻ, trao đổi hợp lý. Giải diễn ra lúc nào, các CLB cần biết sớm để có kế hoạch cho cầu thủ nghỉ ngơi, điều chỉnh kế hoạch để cầu thủ nghỉ ngơi hay tập luyện tốt nhất nhằm đạt hiệu quả chuyên môn.
Nếu giải nghỉ 5, 6 tháng thì phải cho cầu thủ nghỉ tập, nhưng họ sẽ làm gì trong thời gian này. Mỗi đội bóng có cơ chế khác nhau. Tính toán chu kỳ huấn luyện phù hợp cũng là việc của những người làm chuyên môn, nhưng ban tổ chức cần có kế hoạch cụ thể để CLB tính toán", HLV Huy Hoàng kết luận.