Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, do xảy ra một số vấn đề kỹ thuật tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, nên buổi phóng vệ tinh hôm nay sẽ tạm hoãn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi trục trặc tại trạm mặt đất. Tên lửa được quyết định dừng phóng khi đang trong quá trình đếm ngược, cách thời gian phóng dự kiến 1 phút..
Dự kiến thời gian phóng vệ tinh là từ 7h51 đến 8h. Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) đang kiểm tra lại toàn bộ quy trình phóng.
Tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam lần này có tất cả 9 vệ tinh, gồm:
- 1 vệ tinh nhỏ là vệ tinh RAISE-2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản nặng 110kg
- 4 vệ tinh lớp micro, bao gồm: HIBARI (55 kg) của Viện Công nghệ Tokyo, Z-Sat (46 kg) của công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries, DRUMS (62 kg) của công ty TNHH Kawasaki Heavy Industries, TeikyoSat-4 (52 kg) của trường Đại học Teikyo,
- 4 vệ tinh lớp cubesat bao gồm: NanoDragon (3,8kg) của VNSC phối hợp cùng Công ty TNHH điện tử Meisei, ASTERISC (4kg) của Viện Công nghệ Chiba, ARICA (1kg) của Trường Đại học Aoyama Gakuin, KOSEN-1 (3kg) của Trường cao đẳng quốc gia Kochi.
Quá trình tách các vệ tinh và quỹ đạo bay của tên lửa Epsilon 5. (Ảnh: VNSC)
Kiểm tra hoạt động các module của vệ tinh NanoDragon
NanoDragon từng trải quả rất nhiều thử nghiệm, trong đó có thử nghiệm rung động và sốc
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - VNSC (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phát triển. Đây là của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC.
Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021. (Ảnh: JAXA)
Trước đó, năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Đến năm 2019 MicroDragon - một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, thành phần của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) được phát triển bởi 36 học viên, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã được phóng lên quỹ đạo thành công và đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.
Theo kế hoạch, hôm nay vệ tinh NanoDragon 'made in Vietnam' sẽ phóng vào quỹ đạo lúc 7h51 (giờ Hà Nội) hôm nay bởi tên lửa đẩy Epsilon của JAXA từ bãi phóng Uchinoura, Nhật Bản.
Tham gia lần này còn có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Các vệ tinh sẽ cùng NanoDragon bay vào quỹ đạo theo Chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2” (Nguồn: JAXA)
Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng tại Việt Nam, từ ngày 9/3/2021 đến ngày 9/4/2021, vệ tinh hoàn thành thử nghiệm môi trường trước phóng tại Trung tâm Thử nghiệm Vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản. Song song với quá trình phát triển vệ tinh, một trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng đã được phát triển, lắp đặt và sẵn sàng hoạt động. Trạm mặt đất được lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngày 11/8/2021, NanoDragon đã được chuyển đi từ Sân bay Nội Bài đến sân bay Narita, Tokyo. Sau đó vệ tinh sẽ được chuyển về bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima để bàn giao cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA), Nhật Bản, theo Chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo số 2”.