Theo Bộ Công Thương, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.
Hàng hoá kẹt cứng tại cảng Cát Lái. (Ảnh: VGP)
Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13 - 14 container nhưng vì ùn tắc giảm chỉ còn 5 - 7 container.
Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên Liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội... xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, do đó chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh hiện nay lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái luôn gần hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất. Với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.
"Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", văn bản nêu.
Về nguyên nhân phát sinh tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, Bộ Công Thương cho rằng, nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
"Một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường" nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng" - Bộ Công Thương nhấn mạnh. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng.
Trước tình trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái và các cảng biển lớn khác trên cả nước để khẩn trương đưa ra giải pháp nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất tháo gỡ vướng mắc, sớm nhận hàng.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực khai thác của bãi cảng, chủ động điều chỉnh xếp container từng khu vực để tăng khả năng tiếp nhận hàng nhập khẩu, đồng thời nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng, điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp.
Phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình.
Đồng thời, giao UBND TP HCM và UBND các tỉnh, thành có cảng biển ưu tiên tiêm vaccine chống dịch COVID-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm COVID-19 thì một mặt cách ly những đối tượng liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch COVID-19.