Theo thông tin từ gia đình, họa sĩ Mai Long qua đời lúc 19h6 tối 21/7, hưởng thọ 95 tuổi. Lễ viếng họa sĩ Mai Long diễn ra sáng 28/7 tại nhà tang lễ bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội).
Họa sĩ Mai Long qua đời tối 21/7.
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng. Ông được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, Mai Long theo học tại xưởng họa của danh họa Tô Ngọc Vân, tốt nghiệp cùng lớp họa sĩ nổi tiếng như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu...
Một số tác phẩm hội họa trên lụa của họa sĩ Mai Long.
Họa sĩ Mai Long tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam khóa 1950-1954 và Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 1961-1966. Khi hòa bình lập lại, họa sĩ Mai Long tập trung vào tranh lụa. Gia tài tranh lụa của ông lên tới hàng nghìn bức.
Ông vẽ rất nhiều tranh với nhiều thể loại khác nhau, không nhất quán theo trường phái nào. Phong cảnh quê hương, chân dung người phụ nữ Việt cho đến những câu chuyện tình yêu lãng mạn là chất liệu thường thấy trong tranh lụa Mai Long.
Họa sĩ Mai Long thuộc thế hệ khai mở nền điện ảnh hoạt hình Việt Nam.
Ông cũng là thế hệ tiên phong cho nền điện ảnh hoạt hình Việt Nam, cũng là người đầu tiên đưa truyện cổ tích dân gian lên màn ảnh hoạt hình.
Từ năm 1963, khi còn học đại học, ông được đạo diễn Trương Qua mời tham gia vẽ cho bộ phim hoạt họa Đêm trăng rằm. Mai Long là họa sĩ chính thực hiện bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam - Bài ca trên vách núi.
Trong thời gian làm việc ở Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (sau này là Hãng phim hoạt hình Việt Nam), ông tham gia vẽ cho các phim Chuyện ông Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh,...
Ở mảng đồ họa sách báo, ông thể hiện sở trường minh họa truyện tranh dân gian lịch sử.
Trong cuốn sách Họa sĩ Mai Long - Những bức tranh như những bài thơ (tác giả Tô Chiêm), nhà phê bình nghệ thuật Ekaterina Chelaeva (Liên Xô cũ) nhận định: "Dưới con mắt họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được. Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng...".