Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Hoa lửa Truông Bồn’: Ý chí ngoan cường giữa khói lửa điêu tàn

Tái hiện những trang sử anh hùng của dân tộc, "Hoa lửa Truông Bồn" khiến người xem cực kì xúc động.

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 60 năm mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, được sự giúp đỡ của Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM và Tập đoàn SENgroup, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ đã vào TP.HCM và tỉnh Long An công diễn vở kịch Hoa lửa Truông Bồn.

Tối 26/4, đêm diễn cuối cùng tại TP.HCM của vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn đã diễn ra ở Nhà hát Bến Thành. 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi xem vở diễn đêm 26/4 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM đã nói: "Vở diễn tốt quá, xúc động quá ! Đây thực sự là công trình Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 60 năm mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Truông Bồn là nơi bắt đầu của con đường đó vào tiền tuyến lớn miền Nam. Nên đưa vở diễn đến với nhiều tỉnh, thành. Nên tổ chức cho học sinh, sinh viên xem vở Hoa lửa Truông Bồn.

  Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới xem "Hoa lửa Truông Bồn"

  Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng các nghệ sĩ đã có buổi biểu diễn thành công rực rỡ, được đông đảo khán giả phương Nam đón nhận.

Là người viết kịch bản Hoa lửa Truông Bồn, ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc VOV từng chia sẻ, ông muốn mang đến một góc nhìn mới, thông qua việc khắc họa lại cuộc sống đời thường bình dị của những con người vĩ đại đã bước qua cuộc chiến, từng trải qua những khoảnh khắc sinh tử.

Cũng nhờ vậy, Hoa lửa Truông Bồn đến với người xem một cách gần gũi hơn, khiến họ xúc động bởi chính những điều giản dị nhất.

Sau các đêm diễn ở TP.HCM, vở diễn tiếp tục về Long An để phục vụ công chúng của vùng đất trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ. Ông đồng thời cũng là người viết kịch bản cho vở kịch hát "Hoa lửa Truông Bồn".

Những chữ "tình" giữa nơi khói lửa điêu tàn

Đó là tình thân gia đình, tình đồng đội, tình yêu và cao hơn cả là tấm lòng yêu quê hương đất nước, căm thù giặc xâm lược. Kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, Hoa lửa Truông Bồn đưa người xem đi qua đủ những cung bậc cảm xúc, truyền tải đầy đủ những tình cảm mà chắc chắc ai cũng đã từng trải qua.

Nếu mở đầu vở kịch hát, khán giả xúc động với hình ảnh người mẹ gạt nước mắt tiễn con gái lên đường tham gia thanh niên xung phong thì ở phân cảnh sau, người xem lại rơi nước mắt với cảnh mẹ lặn lội ra nơi chiến trường thăm đàn con, ôm con gái vỗ về khi biết con vừa mất đi người mình thương vì hậu quả chiến tranh cũng như sự đau đáu, lo âu của mẹ về con gái.

 

Xuyên suốt vở diễn, khán giả cực kì xúc động bởi tinh thần đồng đội, sự lạc quan của những cô gái đôi mươi giữ vai trò thanh niên xung phong. Giữa nơi khói lửa điêu tàn của chiến tranh, họ vẫn yêu thương nhau, luôn lạc quan, cùng nhau làm nhiệm vụ.

Họ trêu đùa khi Tuấn muốn tặng hoa cho Thông, vui khi có mẹ đến thăm, cùng chúc mừng cho Tâm - một đồng đội chuẩn bị làm đám cưới sau khi hòa bình, mừng cho 3 cô em gái được giấy nhập học. Có lẽ, đó là những niềm vui giản dị giữa thời chiến của những cô gái xa gia đình, chỉ có thể nương tựa vào đồng đội để cùng tiến lên phía trước, chờ ngày đất nước hòa bình.

 

Và trên hết, ở họ luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước. Những cô gái đôi mươi đó, chân yếu tay mềm, vẫn bẽn lẽn thẹn thùng khi gặp các chiến sĩ nam nhưng một khi đã được giao nhiệm vụ, họ chẳng nề hà mà trái lại, cực kì hăng hái.

Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong lạc quan khiến người xem xúc động.

Ngoài ra, tình yêu thời chiến mộc mạc, giản dị nhưng vẫn nồng nhiệt cũng được truyền tải trong Hoa lửa Truông Bồn. Mặc dù có thời lượng ngắn nhưng phân đoạn này khiến người xem bất giác mỉm cười bởi nó cũng mang tinh thần lạc quan, đôi trẻ mơ về ngày hạnh phúc đồng thời cũng là ngày đất nước hòa bình, gia đình đoàn tụ, con cháu vui vầy.

“Khi đất nước hòa bình, chúng ta sẽ xây cho cha mẹ những ngôi nhà mới, chúng mình sẽ cùng nhau đi khắp nơi” – đó là những lời Hòa nói với Tâm, hay như mong ước sinh thật nhiều con của Tâm với những lời bộc bạch chân tình của một cô gái rằng “như vậy còn ít đó”. Khán giả thích thú với những lời chân tình của đôi trẻ nhưng cũng nghẹn ngào, bởi những mong ước đó đã bỏ lại nơi chiến trường.

 

Những điểm sáng của vở diễn

Hoa lửa Truông Bồn đã có nhiều đêm diễn thành công trước khi công chiếu tại TP.HCM và khiến người xem xúc động, thậm chí có những khoảnh khắc cả khán phòng im lặng vì cảm xúc dâng trào.

Để làm được điều đó, đầu tiên phải kể đến ngòi bút tài tình của Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ bởi ông đã khắc họa chân thật hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 thuộc tổng đội TNXP Nghệ An.

Cũng nhờ vậy, những trang sử hào hùng, máu lửa; tình yêu quê hương đất nước; tinh thần lạc quan và sự chiến đấu kiên cường của quân dân Nghệ An thời kháng chiến chống Mỹ hiện lên rõ nét và sống động hơn bao giờ hết.

 

Kịch bản hay cần có một ê kíp dàn dựng tốt. Bên cạnh diễn xuất của các diễn viên, hiệu ứng màn hình LED sân khấu, phông cảnh, âm thanh chân thật giúp người xem như thật sự trở về những ngày chống Mỹ cứu nước, giữa những ngày dân tộc Việt Nam kiên cường trong bom đạn chiến tranh...

Đặc biệt, ở phân đoạn cao trào của vở diễn, khi 13 trên tổng số 14 chiến sĩ của Tiểu đội 2 hi sinh anh dũng trên mặt đường dù chỉ vài giờ nữa, Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc đã khiến người xem xúc động đến lặng người.

Mới trước đó, những cô gái thanh niên xung phong vẫn còn hát vang bài ca Cô gái mở đường, hào hứng làm nhiệm vụ thì không lâu sau, máy bay Mỹ bất ngờ ném bom khiến họ hi sinh anh dũng.

 

Sự thay đổi mạch cảm xúc nhanh chóng dễ khiến người xem những vở diễn khác bị ngộp nhưng với Hoa lửa Truông Bồn, sự cộng hưởng của hiệu ứng hình ảnh trên màn hình LED và âm thanh bom đạn, cùng tiếng nói nghẹn ngào của Tiểu đội trưởng Phong tìm đồng đội giúp đẩy cảm xúc của người xem lên cao.

Có được những điều này, không thể không kể đến công sức và tâm huyết của nghệ sĩ Nguyễn Anh Ninh - người chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh, NSND Lê Hùng giữ vai trò đạo diễn, NSND Hồng Lựu chỉ đạo nghệ thuật, tập thể nam, nữ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An dàn dựng và biểu diễn...

Chu Nguyên

Tin mới