Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoa hậu Anh là bác sĩ chống dịch Covid-19: IQ 146, có hai bằng đại học Y khoa

Hoa hậu Anh năm 2019 Bhasha Mukherjee vừa tạm cởi bỏ vương miện, trở lại làm bác sĩ chống dịch Covid-19, cô từng nổi tiếng với IQ 146 cùng hai bằng đại học.

Năm 2019, cô gái gốc Ấn Độ Bhasha Mukherjee đăng quang hoa hậu ở tuổi 23. Lúc đó, Mukherjee đang thực tập tại Bệnh viện Pilgrim ở Pilgrim, Anh.

Tân hoa hậu thông thạo 5 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Bengal, Hindi, Đức và Pháp. Cô còn nhận hai bằng cử nhân Khoa học ngành Y và cử nhân Y khoa Phẫu thuật từ ĐH Nottingham. Dù sở hữu IQ 146, thuộc nhóm thiên tài, con đường học hành của Bhasha Mukherjee chưa bao giờ dễ dàng.

Tuổi thơ khốn khó, bị bắt nạt vì nghèo

Trước năm 9 tuổi, gia đình Mukherjee sống ở Ấn Độ. Họ thuộc tầng lớp dưới trong xã hội, không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống tiện nghi. Nhưng với lối sống tiết kiệm, họ vẫn đủ ăn đủ mặc.

Hoa hậu Anh 2019 quyết định trở lại với nghề y khi tình hình dịch Covid-19 ở nước này trở nên nghiêm trọng. (Ảnh: Mercury Press)

Năm Bhasha Mukherjee 9 tuổi, họ chuyển sang Anh. Đây là bước ngoặt lớn với gia đình, đặc biệt với tân hoa hậu. Cô thành "loner" - kẻ luôn lủi thủi một mình.

"Mọi thứ rất khác. Chúng tôi gặp khó khăn tài chính, sống trong căn nhà nhỏ thuê chung cùng các gia đình khác. Bốn người, gồm bố mẹ, tôi và em trai, ngủ chung một phòng. Tiền bạc eo hẹp, chúng tôi chỉ có thể mua quần áo từ các xe bán hàng thùng hay cửa hàng từ thiện", Mukherjee chia sẻ trên Mirror.

Tuổi thơ khốn khó là vết hằn lớn trong tâm trí hoa hậu Anh. Hơn 10 năm sau, kể cả khi hưởng ánh hào quang, Bhasha Mukherjee vẫn không thể quên được quãng thời gian bị bắt nạt ở trường chỉ vì nghèo.

Cô còn nhớ một lần, "Ngày đọc sách Thế giới", trường cho phép học sinh ăn mặc tự do đến lớp, thậm chí hóa trang thành nhân vật yêu thích. Cởi bỏ đồng phục, Mukherjee chỉ có thể mặc đồ áo bình thường. Bạn bè trêu chọc cô hóa trang thành người ăn xin.

"Tôi không bao giờ cảm thấy mình là một phần của tập thể, được mọi người chấp nhận. Sống trong nhà thuê chung chật hẹp, tôi không thể ngủ ngon mỗi tối, càng không dám mời bạn bè đến chơi", hoa hậu gốc Ấn chia sẻ.

Cuộc sống ở trường của cô không mấy dễ chịu, dù Bhasha Mukherjee học rất giỏi. Là dân nhập cư, Mukherjee cảm thấy mới lạ với môi trường xung quanh. Cô còn chuyển trường nhiều lần, luôn là "người mới" trong mắt bạn bè cùng lớp.

Bà Mita, mẹ tân hoa hậu, cho biết con gái bị bạn học bắt nạt vì đeo kính, hàm răng lộn xộn và là dân nhập cư. Mukherjee cũng tâm sự bị trêu chọc vì lập dị. Nhưng cô tìm thấy lối thoát ở học tập và thi cử.

Cô gái trẻ tự nhận mình là "vật cưng" trong mắt giáo viên. Cô giành giải thưởng Einstein nhờ là người thông minh nhất lớp và đạt kết quả GCSE (chứng nhận giáo dục trung học phổ thông) tốt nhất trường.

Bhasha Mukherjee tốt nghiệp đại học với hai bằng cử nhân ngành Y. (Ảnh: Instagram)

Hai tấm bằng đại học

Bhasha Mukherjee từng mơ làm phi hành gia. Nhưng rời trường phổ thông, cô quyết định theo học ngành Y tại ĐH Nottingham sau khi một thành viên trong gia đình tự tử. Mukherjee muốn theo đuổi chuyên ngành Sức khỏe Tâm thần.

Thực tế, theo Nottinghampost, thời gian đầu học đại học, bản thân Bhasha Mukherjee phải vật lộn với các vấn đề tâm lý. Nữ sinh tài năng mắc chứng trầm cảm và lo âu thái quá.

"Trong cả năm học đầu tiên, tôi hiếm khi rời giường để đến trường nghe giảng. Tôi mắc chứng dễ quên, cuộc sống là mớ lộn xộn. Tôi thậm chí còn bỏ lỡ một kỳ thi, không phải vì không muốn đi thi mà vì quên. Tôi mất phương hướng, sụt cân nghiêm trọng", Mukherjee nhớ lại.

Đặt mình vào vai trò bác sĩ tương lai, Bhasha Mukherjee tìm kiếm liệu pháp để "tự kéo bản thân khỏi vùng tăm tối". Cô bắt đầu làm từ thiện, người mẫu, tạo cho mình điểm cân bằng. Hoa hậu Anh gốc Ấn thừa nhận công việc mới khiến cuộc sống ý nghĩa hơn, ngoài ngày tháng vùi đầu học hành.

Mukherjee thành lập tổ chức từ thiện mang tên Generation Bridge, chuyên tổ chức các sự kiện tại các viện dưỡng lão. Cô hy vọng có thể hỗ trợ người khác, đồng thời giúp đỡ chính mình sống ý nghĩa, tích cực.

Năm 2019, trước khi đăng quang hoa hậu, Bhasha Mukherjee hoàn thành việc học tại ĐH Nottingham với điểm số thuộc nhóm cao nhất của khóa. Cô nhận hai bằng cử nhân ngành Y, chính thức trở thành bác sĩ.

"Trở thành bác sĩ nhắc nhở tôi cuộc sống quý giá biết nhường nào. Tôi muốn thành bác sĩ như mình từng mơ ước năm 17 tuổi - làm bạn với mọi bệnh nhân, để họ có thể rời khỏi bệnh viện với niềm tin họ vừa bắt đầu một tình bạn trọn đời, đáng tin cậy", Mukherjee chia sẻ trên Daily Mail.

Hơn một năm sau khi quyết định tạm gác công việc bác sĩ để gánh trọng trách hoa hậu, Bhasha Mukherjee trở về nước Anh, tiếp tục hành nghề y ở thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Nguồn: Zing News

Tin mới