Trưa 3/3, ông Lê Ánh Dương - Phó tổng Giám đốc Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, từ tháng 2/2024, EVNHANOI triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công-tơ về ngày cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây.
Vì thế số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2) nên hoá đơn tiền điện gần gấp đôi so với tháng trước.
Hoá đơn tiền điện cao nhưng quyền lợi của hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo, do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc cũng được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số.
Ông Dương phân tích, trước đây, các hộ dân ghi chỉ số công tơ ngày mùng 3 hàng tháng nhưng với quy tắc mới, sẽ chốt công tơ ngày 29/2. Đồng nghĩa, số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên 57 ngày. Số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 sẽ từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.
Khách hàng không phải chịu thiệt thòi vì cách tính giá mới. (Ảnh: EVNHANOI)
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVHANOI là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và quyết định hóa đơn, cũng như đảm bảo công bằng cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho hay, việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được EVN triển khai và có lộ trình trong cả giai đoạn từ năm 2023 - 2025.
“Trong giai đoạn này, tùy địa phương lựa chọn thời điểm chuyển đổi ghi chỉ số công tơ phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương, không nhất thiết phải làm ngay. Hiện tại các tỉnh, thành phố ở phía Nam và miền Trung đã hoàn thành chuyển đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện, còn lại một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc đang triển khai”, đại diện EVN cho biết.
Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện không ảnh hưởng đến tổng số tiền sử dụng điện phải thanh toán. (Ảnh: EVNHANOI).
Việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.
"Công tác này giúp cho ngành điện ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ, đáp ứng đúng theo yêu cầu, quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, thể hiện đầy đủ doanh thu trong năm tài chính phù hợp với chi phí phát sinh trong năm kế toán", đại diện EVN khẳng định.
Trước đó, nhiều người dân "sốc" khi nhận thông báo tiền điện tăng gấp đôi so với những lần trước. Trên mạng xã hội, một số người lo ngại rằng hóa đơn tiền điện được tính dồn 2 tháng khiến bậc tính giá điện tăng cao, là nguyên nhân khiến tiền điện tăng vọt.