Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội vừa công bố danh sách 99 viên chức hạng IV gồm các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của 6 nhà hát trực thuộc Sở được hưởng khoản trợ cấp khó khăn do đại dịch COVID-19, mức hỗ trợ là 3,71 triệu đồng. Trong danh sách này có một số cái tên nổi tiếng như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Thúy Hà, Mạnh Cường, Thiện Tùng, Phùng Tiến Minh…
Ngay lập tức, những ý kiến trái chiều xuất hiện. Nhiều người cho rằng trong danh sách trên có những nghệ sĩ nổi tiếng, hoàn cảnh kinh tế ổn nếu không nói là khá giả, phần tiền này nên dành cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Bản thân Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh cũng trả lời báo chí rằng họ bất ngờ khi biết mình được hỗ trợ và muốn nhường suất đó cho người khác.
Hồng Đăng cho hay anh bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách những nghệ sĩ được nhận hỗ trợ khó khăn trong dịch COVID-19.
Tôi còn nhớ trong cuộc họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ ngày 29/12/1966, khi đề cập tới vấn đề phân phối, cụ Hồ Chí Minh nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không theo".
Dịch COVID-19 khiến cuộc sống của mọi người đảo lộn. Rất nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập, thậm chí không có bất cứ nguồn thu nào để duy trì cuộc sống.
Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là văn hóa nghệ thuật. Các nhà hát không còn sáng đèn mỗi tối. Các nghệ sĩ không được đi diễn, đồng nghĩa với việc ngoài đồng lương cơ bản, họ không có thu nhập nào khác. Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ấy thế nào lại là điều đáng bàn. Trước những gì đang diễn ra, tôi thấy chúng ta đang có hiện tượng "nước chảy chỗ trũng". Nghệ sĩ nổi tiếng dù hiện tại không còn thu nhập từ các đêm diễn nhưng vẫn có nguồn tài chính ổn định. Họ được hỗ trợ trong khi những người thực sự khó khăn như nhân viên hậu đài (âm thanh ánh sáng, hóa trang, phụ trang, nhạc công)... thì lại không được. Khi chưa có dịch COVID-19, thu nhập của những người này cũng đã rất thấp. Dịch bệnh xảy ra, họ còn không có các nguồn thu, vậy họ lấy đâu tiền để sinh sống, để chăm lo cho gia đình?
Khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được công sức lao động của các nghệ sĩ vì họ đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn. Còn những người làm hậu đài, họ đứng sau tấm rèm nhung. Trên sân khấu, người nghệ sĩ đổ mồ hôi thì phía sau họ, những người làm hậu đài cũng phải bỏ công sức không kém. Mỗi đêm diễn, họ cũng phải lao động vất vả nhưng mấy ai biết đến.
Lao động nào, dù là trí óc hay chân tay đều đáng trân trọng. Vậy tại sao chỉ có những đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ... mới được nhận hỗ trợ? Tại sao chúng ta lại bỏ quên những người đang thực sự khó khăn?
Những nhân viên hậu đài chưa được hỗ trợ trong mùa COVID-19. (Ảnh: SGGP)
Tiếp đến, tôi thấy trong danh sách được hỗ trợ có rất nhiều người có cuộc sống ổn định, nếu không muốn nói là sung túc. Nhà quản lý có thể nói rằng, họ cứ chiếu theo quy định mà làm. Nhưng nếu nói như thế là thiếu trách nhiệm. Họ phải biết đề xuất với Chính phủ, lựa chọn và thực hiện một cách phù hợp.
Còn làm như hiện nay, chính họ đang làm hại các nghệ sĩ, kể cả những người được nhận hỗ trợ lẫn những người cần mà không có. Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh hay Thiện Tùng đều không biết họ có tên trong danh sách hỗ trợ khó khăn. Trong vụ việc này, họ vô can nhưng lại vô tình bị công chúng chỉ trích.
151248-2.jpg
Tại sao chỉ có những đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ... mới được nhận hỗ trợ? Tại sao chúng ta lại bỏ quên những người đang thực sự khó khăn?
Biên kịch Chu Thơm
Một số nghệ sĩ nói rằng, họ sẽ gửi lại số tiền hỗ trợ đó cho nhà hát, để nhà hát gửi cho những nghệ sĩ khác thực sự khó khăn. Tuy nhiên những người nhận có thực sự cảm thấy thoải mái không, hay họ lại thấy thêm tủi thân? Cùng là nghệ sĩ cả nhưng người không cần sự hỗ trợ thì được, trong khi người thực sự cần thì lại không.
Với những người có thu nhập, vài ba triệu đồng có thể chẳng đáng là bao, nhưng với những người đang thực sự khó khăn, đó là số tiền lớn. Nó không chỉ là vật chất để giúp họ chống chọi với gian nan trong mùa COVID-19, mà còn là sự động viên lớn về tình thần, để họ có thể tiếp tục gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến
Vậy là, sự hỗ trợ thiếu công bằng này khiến cho người nhận cảm thấy khó xử, còn người cần lại thấy tủi thân. Lẽ ra, sự hỗ trợ của Nhà nước phải khiến mọi người vui vẻ thì đằng này lại tạo ra sự mâu thuẫn, những sự khó xử và cả những nỗi buồn.
Trách nhiệm lớn nhất trong việc xảy ra tình trạng trên là người quản lý, họ phải quan tâm tới cuộc sống của nhân viên, phải biết đề xuất, hỗ trợ những người đang thực sự cần sự giúp đỡ, chứ không chỉ đơn giản là cứ chiếu theo quy định mà làm, mặc kệ sự thiếu công bằng đang hiện rõ trước mắt.
Tôi hy vọng trong thời gian tới, những người làm quản lý sẽ có sự điều chỉnh phù hợp để sự hỗ trợ của Chính phủ đến được với những nghệ sĩ thực sự cần.