Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hổ phách chứa xác cua tí hon 100 triệu năm tuổi

(VTC News) -

Các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên khi phát hiện hóa thạch một con cua cổ đại mắc kẹt trong hổ phách.

Miếng hổ phách được khai quật tại Myanmar năm 2015, chứa con cua non dài 5 mm bên trong. Con cua được xác định thuộc một loài cua mới có tên Cretapsara athanata, nghĩa là "linh hồn bất tử của mây và nước trong kỷ Phấn trắng" theo tên các linh hồn trong thần thoại Đông Nam Á và Nam Á.

Bằng cách sử dụng phương pháp quét CT vi mô, nhóm nghiên cứu có thể chụp được những phần phụ nhỏ như râu, chân, lông trên mắt và thậm chí cả yếm của con cua. Tất cả đều được bảo quản hoàn hảo trong miếng hổ phách.

Con cua mắc kẹt trong miếng hổ phách. (Ảnh: CBS News) 

"Chúng ta đang nói về việc bảo tồn nguyên sơ, không sót một sợi lông nào. Mặc dù nó rất nhỏ, chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều chi tiết", nhà khoa học Javier Luque tới từ Đại học Harvard và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. 

Theo ông Luque, con cua trong miếng hổ phách trông khá "hiện đại", giống như thứ bạn có thể tìm thấy trên bờ biển British Columbia. "Nhưng nó thực sự rất lâu đời và khác với bất cứ thứ gì từng thấy trước đây", chuyên gia này cho hay.

Miếng hổ phách niên đại từ thời khủng long hoặc 100 triệu năm trước là ví dụ lâu đời nhất về một con "cua thật" mạo hiểm di chuyển trên đất liền. Cua thật (được gọi là Brachyurans) khác biệt với "cua giả" (được gọi là Anomurans) - các loài động vật giáp xác không phải là cua nhưng cùng họ với tôm hoặc tôm hùm. 

Đây cũng là hóa thạch cua hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện. Nó chỉ ra rằng cua bắt đầu sống trên cạn hoặc sống lưỡng cư vào khoảng thời gian đó, sớm hơn nhiều so với các dự đoán trước đây.

Luque tỏ ra hết sức hào hứng trước khám phá của mình và các cộng sự. Chuyên gia này cho rằng việc tìm hiểu với sự tiến hóa của các loài cua là một chủ đề hấp dẫn, tương tự như khám phá các loài khủng long. 

Diệu Hoa

Tin mới