Anh Đỗ Đức Hải, một môi giới nhà đất thổ cư tại khu vực Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gần 1 năm nay, anh không bán được căn nhà nào vì giá bị đẩy lên quá cao, khiến nhiều khách hàng ngán ngẩm.
“Chỉ trong 1 năm, giá đất tại nhiều khu vực đã tăng 30 - 40%, nhiều khách hàng bỏ chạy khỏi thị trường”, anh Hải nói.
Cũng theo anh Hải, có những căn nhà đầu năm 2021, giá chỉ khoảng 3,1 tỷ đồng cho diện tích 30 m2. Nhưng đến đầu năm 2022, căn nhà đã tăng lên 4,6 tỷ đồng, tương đương tăng 1,5 tỷ đồng chỉ sau 1 năm.
Những căn nhà trong ngõ, ngách nhỏ giá hiện cũng trên dưới 3 tỷ đồng.
Giá nhà tăng cao khiến khách hàng ngán ngẩm, chạy khỏi thị trường. (Ảnh minh họa)
Anh Hải kể, đối với phân khúc nhà đất thổ cư, đa số những khách hàng gọi cho anh đều là khách thật, vì vậy, tầm tài chính không phải quá lớn.
Nhiều khách hàng sau khi nghe anh báo giá liền lắc đầu quay đi không gọi lại.
“Có những cặp vợ chồng làm công ăn lương, nhiều năm mới tích luỹ được số tiền 2 tỷ đồng. Những tưởng có thể mua được 1 căn nhà nhỏ ở Thủ đô, nhưng với giá nhà hiện tại thì họ có lẽ phải tiết kiệm thêm vài năm nữa cũng chưa chắc mua được.
Vì vậy, nhiều khách hàng khi thấy tôi vừa nói giá, đã quay đầu đi không gọi lại. Tôi gặng hỏi thì trả lời luôn: “Nhà bé, ngõ nhỏ mà giá trên trời thế thì em không mua đâu, em về ở thuê, dành dùm tiền về quê xây nhà thôi”, anh Hải chia sẻ.
Có nhiều khách anh Hải dành cả vài tháng chăm sóc, nhưng cũng không thể chốt được căn nhà nào vì hễ nói đến giá là khách hàng từ chối.
“Giá nhà tăng cao như thế này chỉ có đội đầu cơ giao dịch với nhau là chính, còn khách hàng thật thì họ không đủ tài chính để mua. Nhà đất thổ cư là phân khúc hướng đến người có nhu cầu thực nhiều nhất, nên việc tăng giá đã khiến giao dịch trầm lắng, gần 1 năm nay tôi không bán nổi căn nào”, anh Hải nhăn nhó nói.
Cũng theo anh Hải, những năm trước, khi giá nhà chưa tăng cao như hiện nay, anh thường chốt được khoảng 1 -2 căn/tháng, nhưng giờ lượng khách gọi điện đến hỏi rất ít, trong khi anh không chịu nổi chi phí đăng tin.
“Tôi phải bỏ nghề môi giới, chuyển sang làm xe ôm công nghệ một thời gian. Khi nào giá nhà hạ thì chắc mới có khách để quay lại nghề được”, anh Hải chia sẻ.
Giống anh Hải, anh Nguyễn Văn Thắng - một môi giới nhà đất tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng chia sẻ, có khách hàng từng rất ưng ý 1 căn nhà, nhưng muốn đàm phán với chủ nhà giảm giá vì mức giá quá cao. Hai bên đang đàm phán thì nhà chủ nhà có việc gia đình nên tạm dừng lại. Bẵng đi khoảng 1 tháng sau, chủ nhà không những không giảm giá, còn tăng giá căn hộ thêm 200 triệu đồng với lý do giá trước kia là giá năm cũ, giờ năm mới giá mới.
“Làm môi giới chăm khách rất vất vả, không phải lúc nào cũng gặp khách muốn mua thực sự, nên gặp tình huống chủ nhà tăng giá bán, môi giới rất chán nản”, anh Thắng buồn rầu kể.
Theo khảo sát thị trường của DKRA Vietnam, trong quý I/2022, nghịch lý ở chỗ lượng đăng tin rao bán sản phẩm, giá BĐS tăng cao nhưng nhu cầu tìm kiếm, mức độ quan tâm lại giảm. Bởi trên thực tế, thị trường thứ cấp mua đi bán lại gần như không có do giá bán bị đẩy lên quá cao, chỉ còn những người có nhu cầu thật về nhà ở mới rút “hầu bao” để sở hữu.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho hay, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.