Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Họ đã ngã xuống trong trận chiến chống 'giặc COVID' như thế

(VTC News) -

Họ có thể là một nhân viên y tế, một chiến sỹ công an hay một bác tổ trưởng dân phố bình dị, và họ không ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ cộng đồng.

Tiếng mưa rơi xuống mái tôn cạnh nhà lộp bộp, mùi hương khói làm không khí thêm phần trĩu nặng. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), nơi điều dưỡng viên Trần Thị Phương Hằng làm việc, được chuyển đổi thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19. Chị Hằng tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc các ca F0.

Anh Nguyễn Quốc Dũng, chồng chị, là công nhân Công ty Thép Biên Hòa, thường xuyên phải tăng ca, thời gian dành cho gia đình rất ít. Cảm thông với chồng nên chị Hằng cố gắng quán xuyến việc nhà, lo toan đầy đủ cho cha mẹ chồng và con cái.

Nhưng rồi chị Hằng bị nhiễm COVID-19. Ngày 1/8, chị được thông báo đủ điều kiện xuất viện. Ngày 13/8, xe của bệnh viện đưa chị về quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cách ly theo nguyện vọng. Tuy nhiên, tại đây chị đột ngột thấy khó thở, dù được đưa đến cơ sở y tế của địa phương nhưng đã không qua khỏi.

Anh Dũng kể, năm 2003, vợ anh được tuyển dụng vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Những năm đầu làm việc tại TP.HCM, chị thuê phòng trọ gần nhà anh Dũng, quen biết rồi nên duyên vợ chồng. Hai người đã có hai con, đứa lớn 14, nhỏ 12 tuổi. Ngày anh Dũng phải đến công ty làm việc theo dạng “3 tại chỗ” để phòng dịch, chị Hằng cẩn thận xếp từng bộ đồ, từng vật dụng cá nhân cho chồng. Anh Dũng đâu ngờ rằng đó là phút giây cuối cùng anh được gần vợ.

Kể từ lúc bệnh tình chị Hằng chuyển nặng đến khi chị mất, anh Dũng không có cơ hội nói chuyện với vợ lần nào. Đã gần chạm ngưỡng ngũ thập, anh nay gánh cả vai người mẹ trong gia đình. "Tôi giờ đây vừa là gà trống vừa là gà mái", anh Dũng nói.

Qua khe cửa, chúng tôi thấy bà Lê Thị Diễm Thuý mắt đỏ nhoè tiều tuỵ ngồi cạnh bàn thờ.

“71… 71 ngày rồi”, nhìn lên di ảnh con trai, bà Thuý không còn kìm nổi tiếng nấc. Đại uý Phan Tấn Tài, người con trai duy nhất của vợ chồng bà hy sinh trên đường truy bắt đối tượng vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19.

Ra đi ở tuổi 30, Tài bỏ lại ba mẹ già, người con gái anh yêu đã định ngày cưới, rồi những kế hoạch cho tương lai…

Thấy mẹ siết mẩu khăn giấy trong tay, Phan Thị Cẩm Tiên, em gái đại uý Tài ngỏ lời: “Em nói thay mẹ được không, chứ mỗi lần ai nhắc tới anh Tài mẹ lại thế. Mẹ bị xúc động mạnh, sợ lại xỉu”.

Biết ý chúng tôi đang tìm ông Ngọc, Cẩm Tiên chỉ lên gác: “Ba ở trên, từ hôm anh mất, ba lên phòng anh ngủ và dọn dẹp, ít khi xuống nhà. Mẹ thì không đủ can đảm để lên”.

Ở cái tuổi xế chiều, ông Ngọc làm bảo vệ cho một cơ sở nha khoa, bà Thuý nhận giữ trẻ tại nhà.

Ngôi nhà không đầy 30m2 này vốn chẳng được kiên cố như bây giờ. Năm 2017, khi vừa ra trường và đi làm được ít hôm, Tài xin phép ba mẹ để mình đứng ra vay tiền sửa chữa nhà. Anh nói, đấy là trách nhiệm của người con trai trong gia đình.

Đến cách đây vài tháng, anh báo cho gia đình là đã trả xong khoản nợ tiền sửa chữa nhà. Dù không nhiều, nhưng đó cũng là mục tiêu đầu tiên mà anh hoàn thành cho gia đình.

“Trả xong tiền sửa nhà, anh nói sẽ học liên thông và cưới vợ để sinh cháu nội cho ba mẹ em. Anh với chị quen nhau cũng hơn 3 năm rồi. Chẳng ai nghĩ biến cố này lại đến với gia đình em”, nắm chặt bàn tay bà Thuý, Cẩm Tiên cố không để nước mắt rơi.

Đại uý Phan Tấn Tài vốn là cán bộ trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 6, TP.HCM. Dịch bệnh căng thẳng, anh được tăng cường tham gia công tác phòng chống.

18h, mâm cơm dọn sẵn nhưng chẳng kịp ăn, anh rời nhà đến chốt trực. Ngồi trên xe, đại uý Tài chỉ kịp đáp vội với ba: “Thôi lát về con ăn”. Ai ngờ rằng, đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của hai ba con.

19h, ông Ngọc ngất lịm khi hay tin con trai gặp nạn. Bà Thuý bủn rủn tay chân rồi cũng xỉu đi. Mâm cơm để dành vẫn còn đó.

“Từ hôm anh đi đến nay, ba mẹ như người mất hồn. Ba ít nói, mẹ thì khóc hoài không thôi. Thật sự em không biết làm sao để ba mẹ vượt qua giai đoạn này”, Cẩm Tiên nói.

Vốn là tổ trưởng tổ dân phố 85, khu phố 11, dịch ập tới, ông Thức tham gia tổ tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch. Ông làm đủ mọi việc: trực chốt tại các khu phong tỏa, lái xe chuyển hàng hóa trợ cấp của phường đến tay người dân ở các khu vực bị cách ly, các hộ khó khăn….

Chị Nguyễn Thị Thảo, 30 tuổi, con gái ông cho biết, ông Thức là sỹ quan quân đội về hưu. Thời điểm dịch căng thẳng, từ sớm ông đã đi làm và tới 8-9h đêm mới tạt về nhà tắm rửa rồi lại chạy ra chốt kiểm soát. Có những đêm trực chốt, nhớ vợ, nhớ con, ông nhờ người khác chụp hình mình rồi gửi về gia đình.

Ngày 18/7, ông Thức hết ca trực, tranh thủ về nhà. Ông bị sốt, mệt và sau đó được xác định đã nhiễm COVID-19. Tới ngày 27/7, ông Thức qua đời. Không bao lâu sau, vợ ông cũng nhiễm bệnh và không qua khỏi.

“Có trong mơ tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này. Bây giờ bố mẹ đều đã không còn, tôi thấy mình lẻ loi. Đêm nào tôi cũng thấy bố mẹ, tôi cũng khóc, mong sao mọi thứ chỉ là một cơn ác mộng”, chị Thảo nói.

Chị Thảo cho chúng tôi xem những bức hình ông làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát. Kể về người cha mà nước mắt chị lăn dài.

“Buồn là lúc mất, ba mẹ không được gặp gia đình, mất tại bệnh viện nữa. COVID thật đáng sợ”, chị Thảo nói.

“Việc truy tặng liệt sỹ cho người không may hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ như các nhân viên y tế ở bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay là hoàn toàn xứng đáng”, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đưa ra quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên VTC News.

Theo ông Quang, luật pháp đã quy định rất rõ về điều kiện để cán bộ y tế được công nhận liệt sỹ. Cụ thể, khoản 3, điều 59 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà không may hy sinh thì được xem xét để công nhận liệt sỹ, theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.

Mặt khác, điểm k, khoản 1, điều 14, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sỹ, “Đặc biệt dũng cảm cứu người…”nhưng phải là“tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan toả rộng rãi trong xã hội”.

Theo ông Quang, hiện nay vẫn còn vướng mắc là làm sao để xác định được những người “đủ điều kiện” xác định “dũng cảm cứu người” và là “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan toả rộng rãi trong xã hội” để truy tặng liệt sỹ. Nhưng vấn đề cấp thiết là Bộ LĐ-TB&XH mà cụ thể là Cục Người có công phải có đề xuất cụ thể để hướng dẫn thi hành.

“Tất nhiên không phải ai công tác trong lĩnh vực y tế chết cũng được công nhận là liệt sỹ. Nhưng hiện các cơ quan chức năng phải lượng hoá được thế nào là “dũng cảm cứu người” và là “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan toả rộng rãi trong xã hội” để kịp thời truy tặng liệt sỹ cho họ. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa trình Chính phủ để xem xét”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, tất cả gần 24.000 người vừa qua vào miền Nam giúp TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam là nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Bởi, đã xung phong vào vùng dịch tức là đã vào vùng hiểm nguy, điều này thể hiện tinh thần xả thân vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ cán bộ y tế bị lây nhiễm rất cao, đặc biệt là cán bộ y tế đang tăng cường tại các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện đang điều trị các ca COVID-19 nặng phía Nam.

Theo số liệu thống kê tính đến cuối tháng 8 (chưa đầy đủ), cả nước có trên 2.300 cán bộ y tế mắc COVID-19. Nguy cơ cán bộ y tế tử vong do nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị hoặc tiêm chủng là không loại trừ, mặc dù về cơ bản họ đã được tiêm vaccine đầy đủ.

“Hiện đã có 6 cán bộ y tế tử vong, 3 người do mắc COVID-19 (2 ở TP.HCM, 1 ở Bình Dương) và 3 người do tai nạn và đột tử. Như vậy có thể thấy, cán bộ y tế có thể bị bạo hành, bị tai nạn giao thông hoặc các tai nạn nghề nghiệp khác, bị ốm đau do bệnh mới hoặc bệnh nền, bệnh hiểm nghèo trong quá trình tham gia phòng chống dịch.

Do đó, chính sách đối với cán bộ y tế phải làm càng sớm càng tốt, đừng chờ sự việc xảy ra rồi mới đề xuất chính sách cho họ”, bà Bình nói.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho biết, từ ngày 12/7 đến nay, Công đoàn Y tế đã 4 lần gửi tờ trình đến Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam xin chủ trương hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu tham gia chống dịch COVID-19.

Trong đó, Công đoàn đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là người đi thi hành công vụ, nên khi tử vong được phong danh hiệu liệt sỹ và gia đình được hưởng chế độ liên quan.

Tuy nhiên đến nay, các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn chưa được xem xét phong danh hiệu liệt sỹ.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy được có rất nhiều tấm gương nỗ lực chống dịch, trong số đó có những người đã hy sinh.

Những người hy sinh đó có bác sỹ, nhân viên y tế, có những chiến sỹ công an, quân đội, những tình nguyện viên và cả những người dân thường tham gia chống dịch, họ đã rất tích cực, hăng hái để rồi nhiễm bệnh và qua đời.

Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”, có nghĩa đây là một cuộc chiến rất khốc liệt, cho nên những tổn thất, hy sinh là những điều tuy rất đáng tiếc nhưng có thể nói là không tránh khỏi.

…Mỗi sự hy sinh là một tấm gương để người ở lại soi vào, nỗ lực tiếp bước trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

…Chiếu theo pháp lệnh người có công thì rõ ràng những người hy sinh trong cuộc chiến chống COVID-19 đều đầy đủ điều kiện được công nhận liệt sỹ.

Theo tôi đây là việc rất đáng làm, bởi nó mang lại nhiều ý nghĩa, vừa tri ân những con người quả cảm, có công với đất nước, với nhân dân, vừa có tác dụng cổ vũ lớn lao với những người đang tham gia chống dịch.

Không có sự động viên nào kịp thời bằng việc tri ân xứng đáng. Điều này giúp những người còn đang công tác, đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch cảm thấy những cố gắng, những nỗ lực của mình và cả những mất mát, hy sinh đều được Đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận, được đền đáp xứng đáng.

Từ ngày thiếu hơi ấm của mẹ, Hùng ít nói hẳn. Bây giờ cậu bé 12 tuổi không còn được mẹ chở đi học, được ăn những món mẹ nấu. Từ ngày ba lập bàn thờ mẹ trên lầu hai, Hùng thường xuyên trải tấm nệm nhỏ nằm dưới di ảnh.

Cậu bé vốn quen với tiếng mẹ la, tiếng giục đi ngủ sớm, tiếng kêu ăn cơm của mẹ. Giờ đây, những điều đó chỉ còn là ký ức. “Mẹ đã mất được gần 2 tháng rồi nhưng hai chị em vẫn cảm giác như mẹ còn quanh quẩn ở đây, vẫn luôn dõi theo hai chị em”, bé Hùng nói.

Còn đối với chị Thảo, khoảng thời gian tới là một quãng đường khó khăn, nhưng những ký ức tươi đẹp về ba, về mẹ sẽ tiếp thêm động lực, sức mạnh để chị bước tiếp. Chị bảo mình đang cố gắng gượng sống để lo hương khói cho ba mẹ, cố gắng bận rộn để không nhớ tới cảm giác đau đớn. “Trong 49 ngày tôi mơ thấy ba mẹ nhiều lắm,ba mẹ về chỉ cười thôi”, chị Thảo nói. Chị bảo sẽ tiếp tục duy trì cửa hàng tạp hóa mà mẹ chị đã gầy dựng bao năm, sẽ cố gắng giữ lại căn nhà đã gắn bó với cha mẹ nhiều năm qua, chiếc xe máy mà ba chị từng nhiều ngày tháng đèo con đi học, đi chơi.Nỗi đau của chị là không gì bù đắp, nhưng ngày mai vẫn phải là một ngày mới và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn.

Nguồn:

Tin mới