U23 Việt Nam đã đạt chỉ tiêu giành ngôi đầu bảng A với 3 trận thắng, 1 trận hòa, giữ sạch lưới và bất bại. Đây là lần thứ ba trong bốn lần dự sân chơi khu vực Đông Nam Á, HLV Park Hang Seo giúp đội bóng của mình đạt thành tích này. Nhờ giành được ngôi đầu, U23 Việt Nam sẽ gặp U23 Malaysia - đối thủ trên lý thuyết dễ thở hơn U23 Thái Lan.
Sau trận gặp U23 Timor Leste, HLV Park Hang Seo khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ băng hình về U23 Malaysia, bởi ông chưa có trận nào xem đối thủ thi đấu trực tiếp tại sân. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cho học trò tập thả lỏng 1 ngày, sau đó tận dụng nốt 2 ngày tập luyện trọn vẹn còn lại để rèn các mảng miếng chiến thuật.
Video: U23 Việt Nam 2-0 U23 Timor Leste
Một trong những bài toán khó với U23 Việt Nam trước trận bán kết, không phải là giải mã sức mạnh đối thủ, mà là hoàn thiện cách chơi của bản thân. "Chúng tôi cần cải thiện lại khâu tổ chức đội hình. Nếu chỉ tập trung đề cập đến một vài cá nhân thì không chuyên nghiệp. U23 Việt Nam là một tập thể", HLV Park Hang Seo khẳng định.
Ở vòng bảng, HLV Park Hang Seo đã sử dụng 4 đội hình khác nhau cho 4 trận đấu. Ngoại trừ 3 cầu thủ quá tuổi là Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh, thủ môn Văn Toản cùng bộ đôi trung vệ Việt Anh - Thanh Bình, các cầu thủ còn lại đều không chắc suất, được HLV Park Hang Seo liên tục thay đổi vị trí và luân phiên sử dụng.
Đơn cử như hàng tiền vệ, đến giờ thầy Park vẫn phân vân giữa hai cái tên Công Đến và Hoàng Anh. Nếu Hoàng Anh đá chính 2 trận gặp U23 Indonesia và U23 Myanmar, Công Đến đá chính ở trận gặp U23 Philippines. Đến trận cuối gặp U23 Timor Leste, HLV Park Hang Seo sử dụng cả hai ở hàng tiền vệ, nhưng không mang lại hiệu quả.
U23 Việt Nam còn nhiều thiếu sót. (Ảnh: Hồng Nam)
So với Công Đến, Hoàng Anh được chờ đợi nhiều hơn do có kinh nghiệm thi đấu tại V-League. Cầu thủ mang áo số 10 được giao vai trò đội phó và bố trí chơi ở vị trí tiền vệ kiến thiết, đá sau lưng bộ đôi tiền đạo trong trận đấu hạ màn vòng bảng tối 15/5.
Song, nhiều khả năng Hoàng Anh sẽ lùi lại chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm lệch trái, đá sau lưng bộ đôi Hùng Dũng - Hoàng Đức vốn vượt trội về đẳng cấp để hỗ trợ các đàn anh.
Ở hai biên, HLV Park Hang Seo luân phiên sử dụng Tuấn Tài, Văn Xuân và Văn Đô, trước khi nhiều khả năng chốt lại phương án Văn Xuân cánh trái còn Văn Đô cánh phải. Tuấn Tài sẽ được kéo lùi về hàng trung vệ để tận dụng khả năng làm bóng, tuy nhiên, không loại trừ trường hợp ông Park tin dùng Tiến Long - cầu thủ đã chơi ổn định 3 trận qua.
Vị trí đá cặp với Tiến Linh trên hàng tiền đạo sẽ mang đến lựa chọn khó khăn nhất với HLV Park Hang Seo. Ban huấn luyện U23 Việt Nam tin dùng Mạnh Dũng ở 2 trận gặp U23 Myanmar và U23 Philippines, nhưng tiền đạo thuộc biên chế CLB Viettel không để lại ấn tượng.
Ngược lại, Văn Tùng và Thanh Minh đã tận dụng trận gặp U23 Timor Leste để "ghi điểm" với thầy Park, khi mỗi người có 1 bàn thắng bằng đầu.
Văn Tùng (số 11) ghi bàn vào lưới U.23 Timor Leste. (Ảnh: Hồng Nam)
Ban đầu, HLV Park Hang Seo tin dùng Văn Tùng trong vai trò đá cặp với Tiến Linh, nhưng thể lực không ổn định của cầu thủ Hà Nội FC buộc ông phải tính đến phương án Mạnh Dũng.
Dù vậy, khi Mạnh Dũng thiếu hiệu quả, Văn Tùng lại lên tiếng đúng lúc, khiến HLV Park phải tính toán lại con người. Cũng không loại trừ khả năng "cơn gió lạ" Thanh Minh sẽ được tin dùng. Cầu thủ người dân tộc Tà Ôi có lối chơi xông xáo và dũng mãnh dù có thể hình hạn chế.
Nhìn chung, việc U23 Việt Nam chưa chốt khung đội hình sẽ khiến U23 Malaysia khó bắt bài hơn. HLV Park Hang Seo có thể tạo ra nhiều phương án chơi với những con người hiện có, nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là tổ chức đội hình, tạo ra lối chơi nhất quán, thì U23 Việt Nam cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Lối đá vẫn phụ thuộc vào những cầu thủ quá tuổi như Hùng Dũng, Hoàng Đức, các miếng đánh biên và trung lộ đều chưa sắc sảo và nhuần nhuyễn. Bộ khung tốt nhất sẽ chỉ được chốt sau trận bán kết lúc 19h tối 19/5 tới.
Tuy nhiên, trước một U23 Malaysia non kinh nghiệm (không gọi cầu thủ quá tuổi), các học trò của thầy Park chỉ cần chơi đúng khả năng là đủ sức giành vé vào chung kết.