Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

HLV châu Âu ở tuyển Việt Nam: Người lên đỉnh Đông Nam Á, kẻ mất việc sau 2 tháng

(VTC News) -

Các HLV châu Âu trải qua nhiều thăng trầm khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Ông Edson Tavares là HLV ngoại đầu tiên nắm quyền tại đội tuyển Việt Nam. Thời là cầu thủ, ông từng thi đấu cho Vasco de Gama (Brazil), Porto (Bồ Đào Nha) hay FC Zurich (Thụy Sỹ). Trước khi tới Việt Nam, ông từng dẫn đội tuyển Jordan và làm trợ lý tại tuyển Chile. Vị chiến lược gia được đánh giá có năng lực chuyên môn nhưng cá tính quá mạnh ảnh hưởng lớn đến cách làm việc của ông. Do đó, ông nảy sinh nhiều bất đồng với VFF.

Sự nghiệp của ông Tavares với tuyển Việt Nam gồm 2 giai đoạn. Lần đầu từ 24/11/1994 đến 12/1/1995. Ông dẫn đội tuyển Việt Nam thi đấu ở Cúp Độc Lập và vào đến bán kết. Tuy nhiên, ông dừng công việc sau chưa đầy 2 tháng vì lý do không hợp tác được với VFF. Ngày 22/3/2004, ông Tavares trở lại ký hợp đồng với tuyển Việt Nam để dẫn dắt đội thi đấu tại Tiger Cup 2004. Tuy nhiên, lần tái hợp này không diễn ra thuận lợi. Đội tuyển Việt Nam thi đấu bết bát, bị loại ngay từ vòng bảng. HLV sinh năm 1956 chia tay ngay sau trận thua 0-3 Indonesia.

HLV Karl Heinz Weigang tiếp nối công việc mà HLV Tavares để lại. Nhà cầm quân người Đức được coi như người mở đường, giúp bóng đá Việt Nam tiến đến vinh quang khu vực. Ông dẫn dắt thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam, với Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh, Trần Minh Chiến,... Các cựu danh thủ đều khen ngợi tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật của HLV người Đức.

Ở SEA Games 1995, ông Weigang giúp tuyển Việt Nam vào chung kết trước khi thua Thái Lan. Đến Tiger Cup 1996, tuyển Việt Nam tiếp tục chơi ấn tượng và giành huy chương đồng khi hạ Indonesia ở trận tranh hạng ba. Sau giải Dunhill Cup đầu năm 1997, nhà cầm quân sinh năm 1935 chia tay bóng đá Việt Nam.

Ông Colin Murphy (trái) đến Việt Nam giữa năm 1997. Nhà cầm quân người Anh mang phong cách "tạt cánh đánh đầu" áp dụng cho đội tuyển quốc gia. Vì vậy, nhiều bàn thắng của tuyển Việt Nam được ghi từ những quả đánh đầu ở SEA Games 1997. Ông Murphy cùng đội tuyển Việt Nam giành huy chương đồng ở kỳ đại hội này. Sau đó, ông về nước và tự cắt liên lạc với VFF. VFF chấm dứt hợp đồng với ông chỉ sau nửa năm làm việc.

HLV Alfred Riedl dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từ năm 1998. Nhà cầm quân người Áo là một trong những HLV ngoại thành công nhất lịch sử, đóng góp lớn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông giúp tuyển Việt Nam giành huy chương bạc Tiger Cup 1998 và lần đầu tiên đánh bại đội tuyển Thái Lan. Ở SEA Games 1999, tuyển Việt Nam cũng về nhì. Tại Tiger Cup 2000, tuyển Việt Nam về thứ 4.

Năm 2003, HLV Alfred Riedl lần thứ hai trở lại công việc ở các đội tuyển quốc gia. Ông dẫn U23 Việt Nam dự SEA Games 22 trên sân nhà và một lần nữa giành huy chương bạc. Tại đội tuyển Việt Nam, ông giúp đội đánh bại tuyển Hàn Quốc ở vòng loại World Cup 2006.

Năm 2005, HLV Alfred Riedl lần thứ 3 làm việc với các đội tuyển quốc gia. Thời kỳ này đánh dấu thành tích của tuyển Việt Nam ở đấu trường châu lục. Năm 2007, tuyển Việt Nam trong lần đầu tham dự Asian Cup vượt qua vòng bảng. Đội tuyển nằm ở bảng khó với sự hiện diện của Nhật Bản, Qatar và UAE. Đội tuyển U23 Việt Nam vào vòng loại cuối của Olympic Bắc Kinh 2008. Song, thành tích của U23 ở SEA Games không đạt kỳ vọng khi về nhì SEA Games 2005 và về thứ 4 SEA Games 2007.

Năm 2001, HLV người Brazil Dido dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ông khẳng định đưa Việt Nam đến World Cup nhưng bị loại ngay từ giai đoạn 1. Ở SEA Games 21, U23 Việt Nam không vượt qua vòng bảng. Ông Dido được đánh giá có cá tính và chất nghệ sỹ. Nhà cầm quân này muốn học trò chơi bóng ngắn nhưng lại thiếu phương án tiếp cận khung thành đối thủ. Ông rời Việt Nam sau chưa đầy 1 năm dẫn dắt.

HLV Letard (trái) là một trong những thất bại lớn nhất của VFF. Ông này chỉ dẫn đội tuyển U23 Việt Nam ở giải giao hữu LG Cup 2002. VFF sớm sa thải HLV người Pháp sau 5 tháng khi nhận ra năng lực hạn chế của ông và phải đền bù khoản tiền lớn.

HLV Henrique Calisto cũng là một trong những HLV châu Âu để lại nhiều dấu ấn và công trạng với bóng đá Việt Nam. Năm 2002, ông được mời dẫn dắt đội tuyển dự Tiger Cup 2002 và về vị trí thứ ba. Tuy nhiên, cuối năm đó, ông Calisto chia tay tuyển Việt Nam.

Năm 2008, ông Calisto lần thứ 2 dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đánh dấu mốc quan trọng khi đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á bằng chức vô địch AFF Cup 2008. 2 năm sau, tuyển Việt Nam chỉ vào đến bán kết và không bảo vệ được ngôi vương. Ở cấp độ U23, ông Calisto mang về tấm huy chương bạc  SEA Games 2009.

Ông Falko Goetz đến Việt Nam năm 2011 khi bóng đá bước vào giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, nhà cầm quân người Đức tự tin làm nên điều gì đó nhờ bản lý lịch ấn tượng. Ông là cầu thủ nổi tiếng của Đông Đức khi từng thi đấu cho Bayer Leverkusen, FC Cologne và Galatasaray. Ông từng đưa Hertha Berlin về thứ 7 Bundesliga và là thành viên của nhóm chuyên phát triển đào tạo cầu thủ trẻ của LĐBĐ Đức.

Ông Goetz khởi đầu không tệ cùng U23 Việt Nam. Tuy nhiên, thất bại tại bán kết SEA Games 26 dẫn đến việc nhà cầm quân này phải chia tay bóng đá Việt Nam. Bên cạnh thành tích, những vấn đề nội bộ cũng ảnh hưởng đến quyết định chia tay giữa VFF và HLV Goetz.

HLV Phillipe Troussier trở thành HLV trưởng tuyển Việt Nam và U23 từ tháng 2/2023. Ông sở hữu bản lý lịch ấn tượng nhất trong các HLV từng làm việc ở Việt Nam. HLV người Pháp từng vô địch Asian Cup 2000, đưa Nhật Bản vượt qua vòng bảng World Cup 2002. Bên cạnh đó, ông từng dẫn dắt nhiều đội bóng của châu Á và châu Phi. 

Ông Troussier tuyên bố đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup 2026, đồng thời ký hợp đồng dài hạn với VFF. Ông cũng hứa hẹn mang tới phong cách chơi bóng chủ động, hiện đại hơn cho đội tuyển Việt Nam. 

Kỳ vọng rất lớn nhưng HLV Troussier gặp vấn đề trong cách sử dụng nhân sự và quản lý đội tuyển. Ngoài ra, đội tuyển chơi không tốt, đạt thành tích kém tại Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026. Đội U23 chỉ đoạt huy chương đồng ở SEA Games 32. Sức ép lớn khiến VFF và HLV Troussier đồng thuận chấm dứt hợp đồng sau 1 năm cộng tác.

Văn Hải

Tin mới