Tình huống thúc cùi trỏ, bóp cổ cầu thủ Văn Huy (An Giang) của HLV Hứa Hiền Vinh (Phố Hiến) chỉ là một trong nhiều chấm đen của bóng đá Việt Nam những tuần vừa qua.
Ở tình huống này, cầu thủ Văn Huy có lỗi trước khi xoay người sút bóng vào chỗ ngồi của ban huấn luyện Phố Hiến. Văn Huy cũng là học trò cũ của HLV Hiền Vinh ở PVF, nên ông tức giận, muốn dạy dỗ lại cầu thủ này. Tuy nhiên, không thể lấy cái sai để khỏa lấp một cái sai khác.
Sau khi HLV Hiền Vinh được can ngăn, một cầu thủ Phố Hiến khác cũng lao vào bóp cổ Văn Huy. Liệu chiến lược gia của Phố Hiến sẽ nói gì với cậu học trò vừa tấn công bạo lực vào đối thủ này, khi chính ông đã "làm gương" cho học trò với hành động xấu chỉ vài giây trước đó?
Dẫn dắt một đội bóng trẻ, nơi hầu hết cầu thủ đều đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, HLV hành động như vậy liệu có tạo gương xấu cho học trò? Có lẽ hỏi cũng là trả lời.
Video: HLV Hiền Vinh "dạy dỗ" cầu thủ An Giang ngay trên sân. (Nguồn: Next Sports)
Bóng đá xấu xí cũng là vấn nạn nhức nhối của bóng đá Việt ít tuần qua. Sau ấn tượng tốt đẹp về khán đài đầy áp khán giả trong ngày trở lại, nhiều cầu thủ, HLV lại đang tô đen vào bức tranh bóng đá nước nhà bởi những hành động thiếu kiềm chế.
Trong trận đấu giữa Becamex Bình Dương và Hà Nội FC, dàn cầu thủ đội khách đã lao thẳng vào sân phản ứng với đội khiêng cáng khi cho rằng Tuấn Anh (Hà Nội FC) bị đối xử thiếu fair-play.
Quang Hải chỉ tay vào mặt đội khiêng cáng, Thành Lương, Văn Toàn cũng tranh cãi quyết liệt, Tiến Linh cùng các cầu thủ Bình Dương cũng lao đến, suýt tạo ra cuộc ẩu đả trước sự chứng kiến của HLV Park Hang Seo. HLV Chu Đình Nghiêm cũng phẫn nộ lao vào sân và chỉ dừng lại khi có một trợ lý can ngăn.
Quang Hải chỉ tay vào mặt đội ngũ khiêng cáng sân Bình Dương.
Phía ban huấn luyện Bình Dương cũng có hành động không đẹp. Tranh cãi từ tình huống thay người cuối trận (Bình Dương muốn thay 3 người, trọng tài chỉ cho thay 2), trợ lý HLV Nguyễn Đức Cảnh phẫn nộ lấy bảng thay người của trọng tài, tạo ra những căng thẳng không đáng có.
Bạo lực còn xuất hiện trên sân cỏ. Ở vòng trước, một cầu thủ Phố Hiến khác là Văn Đạt đạp hai chân vào bụng cầu thủ Khánh Hòa dẫn đến thẻ đỏ. Từ chỗ là đội bóng trẻ trung, đá đẹp và được yêu mến, Phố Hiến mùa này lại thể hiện bộ mặt khác. Sau 6 trận, CLB có sân nhà tại PVF đã nhận 12 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ.
Trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL hay Hải Phòng gặp Sài Gòn cũng có nhiều pha vào bóng kiểu võ thuật của Mạnh Hùng cùng đồng đội.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng, cần có tranh chấp quyết liệt. Không phủ nhận khát vọng của các đội, nhưng vào bóng quyết liệt khác với triệt hạ đối thủ bằng những động tác giống chơi võ hơn chơi bóng, tiêu biểu có pha vào bóng của cầu thủ Hải Phòng với Văn Toàn hay một cầu thủ đạp thẳng vào sườn của Minh Vương (HAGL).
Văn Toàn nhiều lần bị cầu thủ Hải Phòng va chạm mạnh.
Khi V-League hướng tới hình ảnh chuyên nghiệp, bất kỳ HLV, cầu thủ nào cũng cần hiểu họ đại diện cho màu áo mà họ đang mang. Những tình huống xấu không chỉ tổn hại đến cá nhân, mà còn khiến hình ảnh đội bóng bị hoen ố. Bóng đá muốn có CĐV đến sân xem vẫn phải quyết liệt, song cần văn minh và thượng võ.
Hành xử khi trận đấu được đưa lên sóng truyền hình với hàng triệu khán giả rất khác với hành xử khi chỉ có một mình. Mọi hành động cần được cân nhắc, những mâu thuẫn, nóng giận phải được gạt bỏ tối đa. Nếu không kiềm chế, ban tổ chức buộc phải có những án phạt nặng.
Nhưng những tình huống kể trên không hề bị trừng phạt. Trong trận Hải Phòng gặp HAGL, cầu thủ chủ nhà nhiều lần thoát tình huống có thể nhận thẻ vàng, thẻ đỏ. Sự cố trên sân Bình Dương khép lại với... lời nhắc nhở. Khi ban huấn luyện hai đội thiếu kiềm chế, trọng tài cũng không rút ra bất cứ tấm thẻ nào.
Tình huống HLV Hiền Vinh bóp cổ cầu thủ được đánh giá là "tấn công bạo lực", song trọng tài chỉ rút thẻ vàng với HLV này. Những án phạt hoàn toàn không có tính răn đe. Nếu cứ hành xử kiểu xuê xoa, bỏ qua cho nhau và phạt kiểu "đại khái", đến bao giờ bóng đá Việt mới hết những hình ảnh buồn?