Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa thông tin đến báo điện tử VTC News về tình trạng một bên gối cầu tại một trụ cầu Long Biên (Hà Nội) bị thiếu tạo thành khoảng hở giữa mặt cầu và chân cầu khiến mặt cầu có hiện tượng hơi nghiêng về 1 bên. Mỗi lần tàu hỏa chạy qua, cây cầu có hiện tượng rung lắc rất nguy hiểm, nhiều người dân đang lưu thông trên cầu phải dừng lại chờ tàu qua mới tiếp tục lưu thông.
Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Tổng công ty đã giao cho công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải là đơn vị trực tiếp quản lý công trình kiểm tra, tìm hiểu sự việc và khắc phục tạm thời sự cố.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, qua kiểm tra hiện trường, hình ảnh bài báo nêu trên là vị trí trụ phụ 5A cầu Long Biên. Theo thiết kế ban đầu, cầu Long Biên có các nhịp chính (nhịp chẵn) có đầu mút thưa trên đó có kê các dầm phụ của nhịp đeo (nhịp lẻ), nên tại vị trí này không bố trí trụ, qua quá trình sửa chữa nhiều thời kỳ, trụ phụ 5A cùng một số trụ phụ khác đã được xây dựng bổ sung.
Trụ phụ 5A ban đầu xây dựng là trụ tạm bằng palê thép, sau đó được bọc bê tông, phía trên đỉnh trụ phụ 5A có lắp đặt các bản thép. Hiện tại, bản thép phía thượng lưu có khoảng hở cách đáy dàn là 15cm, phía hạ lưu ngoài bản thép còn kê thêm lên 2 đoạn ray ngắn có khoảng hở cách đáy dàn 3cm như phản ánh trong bài báo.
Qua số liệu hồ sơ quản lý và đo đạc, kiểm tra cho thấy số liệu toàn bộ phần dầm chịu lực của nhịp chính và dầm mút thừa đảm bảo đủ điều kiện cho các đoàn tàu và phương tiện lưu thông qua cầu. Số liệu chuyển vị thẳng đứng của dàn thép khi có hoạt tải đoàn tàu đi qua trong khoảng từ 1,5 – 1,7cm (nhỏ hơn khoảng hở hiện tại là 3cm). Như vậy, trụ tạm 5A chỉ có tác dụng dự phòng chưa tham gia tăng cường cho dàn thép khi có hoạt tải.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết thêm, cầu Long Biên đang trong giai đoạn sửa chữa thuộc dự án “Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025”, đơn vị tư vấn thiết kế đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ nhịp dầm trên trụ 5A chưa cần phải thực hiện gia cố, sửa chữa.
Hiện nay, đơn vị tư vấn thiết kế vẫn đang rà soát toàn bộ cây cầu theo chỉ đạo của Bộ GTVT để điều chỉnh và thi công hoàn thành vào cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đường Sắt Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị quản lý cầu kiểm tra, kê dự phòng tại vị trí trên bản thép cho đồng bộ cả hai bên thượng lưu và hạ lưu.
Trước đó, trên trang facebook có tên Đỗ Duy Vị đăng tải một số hình ảnh được cho là chụp phía dưới cây cầu Long Biên (Hà Nội), hình ảnh cho thấy tại một điểm chân cầu gối cầu đã bị thiếu một bên.
Ngay sau khi hình ảnh này được chia sẻ, PV VTC News đã có mặt tại cầu Long Biên để xác minh sự việc. Hiện trường cho thấy, những hình ảnh anh Đỗ Duy Vị (chủ nhân bức ảnh) đăng tải là hoàn toàn đúng sự thật.
Theo quan sát của PV, một bên gối cầu tại một điểm chân cầu Long Biên đã bị thiếu tạo thành khoảng hở giữa mặt cầu và chân cầu. Mặt cầu có hiện tượng hơi nghiêng về phía bên thiếu gối cầu.
Mỗi lần tàu hỏa chạy qua, cây cầu có hiện tượng rung lắc rất nguy hiểm, nhiều người dân đang lưu thông trên cầu phải dừng lại chờ tàu qua mới tiếp tục lưu thông.
Video: Hình ảnh lạ dưới gầm cầu Long Biên