Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiểu thế nào về nước kiềm?

(VTC News) -

Từ nghiên cứu liên quan đến thói quen sử dụng nước của 36 cầu thủ bóng đá năm 2017, các nhà khoa học cho rằng nước kiềm tốt với người vận động.

Theo tờ MSN, lời tuyên bố rằng nước kiềm tốt hơn nước thông thường phần lớn xuất phát từ một nghiên cứu năm 2017. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên hoạt động của 36 cầu thủ bóng đá nam. Các cầu được chia thành 3 nhóm: một nhóm uống nước có hàm lượng khoáng chất cao, nhóm thứ hai uống nước có hàm lượng khoáng chất thấp, nước có hàm lượng kiềm cao và nhóm thứ ba uống nước bình thường.

Tất cả đều phải uống khoảng 4 lít các loại nước được chỉ định mỗi ngày trong 7 ngày, đồng thời phải thực hiện bài tập thể dục cường độ cao trước và sau tuần uống nước.

Nghiên cứu chỉ ra, sau khi tập thể dục, những người uống nước kiềm ít khoáng chất được cung cấp đủ nước tốt hơn hai nhóm còn lại và kết luận: "Kết quả chỉ ra rằng việc thường xuyên uống nước kiềm có thể là một yếu tố dinh dưỡng có giá trị ảnh hưởng đến tình trạng hydrat hóa ở người lớn khỏe mạnh năng động".

MSN đưa ra nhận định, trong trường hợp này, kết luận chỉ nên mang tính tham khảo vì đây là một nghiên cứu rất nhỏ. Các tác giả thậm chí còn mô tả dữ liệu là "sơ bộ". Cần có nhiều bằng chứng hơn thế, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng, để các bác sĩ bắt đầu khuyên chúng ta nên uống nhiều nước kiềm hơn nếu muốn tăng lượng nước.

Trên thị trường hiện có nhiều hãng nước uống đang tung ra sản phẩm nước ion kiềm đóng chai. (Ảnh: Better Choice Beverage)

Kiểm chứng khoa học mới dừng ở giả thuyết

Tiến sĩ ngành Sinh – Y Lê Đức Dũng (đang làm việc tại CHLB Đức) cho rằng, hiện nay trên thế giới có rất ít kết quả khoa học nghiên cứu về lợi ích và tác hại của việc uống nước kiềm. Cho nên các thông tin về lợi ích hay tác hại của nước kiềm đều chỉ là giả thuyết và suy luận cảm tính. Tiến sĩ Dũng cũng cảnh báo về tác hại khi sử dụng nước kiềm như nguy cơ: Mất cân bằng điện giải, nhiễm kiềm.

Trên thị trường hiện có hàng chục hãng nước uống đang tung ra loại nước ion kiềm đóng chai như Lavie, Cawa, ion-life, Vinaken, Fujiwa… Không khó để tìm kiếm trên mạng xã hội, website của các hãng những bài quảng cáo về công dụng vượt trội đối với sức khỏe của loại nước ion kiềm này. Ví dụ như: Phòng ngừa các bệnh về đường ruột; ngăn ngừa lão hóa, kéo dài tuổi thọ; trung hòa axit dư trong cơ thể, loại bỏ vi khuẩn; thanh lọc cơ thể tối ưu, giải độc rượu bia, hỗ trợ điều trị men gan cao… Thậm chí, trên mạng xã hội còn có những post quảng cáo cho rằng nước ion kiềm có thể hỗ trợ ngăn ngừa, điều trị bệnh ung thư. 

Có lẽ vì tin tưởng vào lợi ích đối với sức khỏe của nước ion kiềm nên nhiều người tiêu dùng vẫn tin tưởng và mua dùng, cho dù giá bán của loại nước ion kiềm đóng chai cao hơn từ 20-40% do với nước suối đóng chai thông thường.  

Vậy tác dụng của nước ion kiềm (hay nước kiềm) đối với sức khỏe có thực sự như quảng cáo của các nhà sản xuất nước uống và máy lọc nước hay không? Chúng ta hãy nghe nhà khoa học, Tiến sĩ ngành Sinh – Y Lê Đức Dũng (đang làm việc tại CHLB Đức) chia sẻ để làm rõ công dụng và tác hại khi sử dụng nước ion kiềm.

Tiến sĩ ngành Sinh – Y Lê Đức Dũng (CHLB Đức). (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về thành phần và lợi ích của nước ion kiềm, TS. Lê Đức Dũng cho biết, nước ion kiềm là nước có độ pH cao hơn nước uống thông thường, nước uống thông thường có độ pH bằng 7 thì nước kiềm thường có độ pH là từ 7,5 đến 9,5. Thang đo pH là đo độ axit hoặc độ kiềm của một chất và độ pH bằng 7 là trung tính, trong khi các pH dưới 7 thì có tính axit và pH trên 7 có nghĩa là có tính kiềm.

Nước ion kiềm có thể được tạo ra bằng cách thêm các khoáng chất kiềm, chẳng hạn như canxi, magiê và kali vào nước hoặc bằng cách sử dụng máy ion hóa để tách nước thành các thành phần có tính axit và kiềm. Nước ion kiềm có thể mua sẵn tại các cửa hàng hoặc có thể được thực hiện lọc nước tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Lợi ích của việc uống nước ion kiềm hiện đang gây tranh cãi và chưa có những kết luận rõ ràng từ các nghiên cứu khoa học. Nước ion kiềm được một số người tin rằng có lợi cho sức khỏe do tính chất kiềm của nó, có thể giúp trung hòa axit dư thừa trong cơ thể, trong khi đó những người chỉ trích cho rằng có những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc tiêu thụ loại nước này.

Và thực tế là hiện nay còn rất ít kết quả khoa học nghiên cứu về lợi ích và tác hại của việc uống nước kiềm. Cho nên hiện các thông tin về lợi ích hay tác hại của nước kiềm đều chỉ là giả thuyết và suy luận cảm tính.

Trước một số thông tin quảng cáo “nước ion kiềm có thể trị bệnh dạ dày, bệnh ung thư”, TS. Lê Đức Dũng cho rằng, có một số người tin rằng sử dụng nước ion kiềm thì có thể làm giảm độ axít ở trong dạ dạy từ đó có thể làm giảm triệu chứng các bệnh dạ dày cũng như bệnh trào ngược. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào đủ lớn và tin cậy để chỉ ra rằng uống nước ion kiềm cả thể trị bệnh dạ dầy và ung thư.

Để khẳng định được tác dụng trên thì cần có những nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng với đầy đủ số lượng bệnh nhân, cũng như thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt trong nghiên cứu lâm sàng. Các nghiên cứu được đăng ký và kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí khoa học.

Tất cả các khẳng định về công dụng của ion kiềm trong điều trị bệnh đều là thông tin marketing, chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học do vậy chúng ta chưa thể khẳng lợi ích của nước kiềm với hai bệnh nói trên.

Được biết hiện nay các máy tạo nước ion kiềm cũng như nước kiềm có giá khá đắt đỏ, nhất là so với mức thu nhập bình quân tại Việt Nam. Dưới góc độ chuyện môn hay góc độ người sử dụng thì với tôi, tôi sẽ chưa sử dụng nước ion kiềm cho đến khi nào chưa có các công bố khoa học khẳng định lợi ích của nước ion kiềm nhiều hơn tác hại của nó. Khi sử dụng một loại thuốc, một loại chất bổ trợ, hay bất cứ thứ gì chúng nên xem xét và so sánh mặt lợi và mặt hại khi sử dụng nó. Ở đây thông tin khoa học về mặt lợi và mặt hại của nước kiềm đều chưa đầy đủ và và chưa đáng tin cậy”, TS. Dũng nói.

Có những nguy cơ khi chúng ta thay đổi độ pH sinh lý, mà cụ thể ở đây là tăng độ kiềm, có thể kể đến các nguy cơ như mất cân bằng điện giải và nhiễm kiềm. (Ảnh: Aqua Ionizer Pro)

Lưu ý với người sử dụng nước ion kiềm, TS. Dũng cho biết, chúng ta nên hiểu rằng mọi bộ phận trong cơ thể đều đã có độ pH sinh lý nhất định, một khi độ pH đó thay đổi thì cơ thể sẽ tự phát hiện bởi các cảm biến sinh học và cơ thể chúng ta sẽ tự điều chỉnh để đưa độ pH đó về với mức pH sinh lý.

Ví dụ ở dạ dày: Dạ dày chúng ta có độ pH rất thấp (độ pH dạ dày từ 1-4 tuỳ thời điểm) tức mức axít cao để có thể tiêu hoá thức ăn tốt cũng như có thể tiêu diệt nhiều vi sinh trùng xâm nhập cơ thể qua đường miệng như từ thức ăn và nước uống. Một khi độ kiềm của dịch dạ dày tăng lên nghĩa là các chức năng vừa kể trên sẽ suy giảm.

Bên cạnh đó các tế bào có chức năng tiết axit trong dạ dày sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để sản xuất axit nhằm điều chỉnh độ pH trong dạ dày thấp xuống về mức sinh lý. Tương tự thì các cơ quan khác cũng phải tự điều chỉnh độ pH khi nó bị thay đổi do tác động ngoại cảnh như do uống nước kiềm, và khi đó các tế bào sẽ phải làm việc quá mức để điều chỉnh độ pH thì chắc chắn sẽ không tốt cho cơ thể.

Cũng theo TS. Dũng, cũng có những nguy cơ khác khi chúng ta thay đổi độ pH sinh lý, mà cụ thể ở đây là tăng độ kiềm, có thể kể đến các nguy cơ như mất cân bằng điện giải và nhiễm kiềm nếu uống quá nhiều.

Tóm lại, trong khi một số người tin rằng nước kiềm hay ion kiềm có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, thì cũng có nhiều những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sử dụng loại nước này.

Giống như với bất kỳ thay đổi nào về chế độ ăn uống hoặc lối sống, chúng ta đều phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia đó cần nắm rõ tình trạng sức khoẻ của từng cá nhân và sẽ đưa ra các lời khuyên hợp lý nhất cho mỗi người.

Trước thực tế chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào kết luận về lợi ích hay tác hại khi sử dụng nước ion kiềm, người tiêu dùng cần hết sức cân nhắc, cẩn trọng khi sử dụng loại nước này để đảm bảo sức khỏe và tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Đỗ Quyên

Tin mới