Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hiệu quả và tác dụng phụ có thể xảy ra của vaccine COVID-19 vừa về đến Việt Nam

(VTC News) -

Vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển được phê duyệt sử dụng 41 quốc gia, là vaccine ngừa COVID-19 được ưa chuộng thứ hai sau Pfizer/BioNTech của Mỹ.

Nhiều nước phê duyệt vaccine của AstraZeneca và đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi hãng dược Anh-Thụy Điển khẳng định vaccine của họ có hiệu quả cao trong việc chống lại COVID-19. 

Hiệu quả của vaccine?

Hồi cuối tháng 11, AstraZeneca cho rằng vaccine của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, chế độ có hiệu quả 90% bao gồm dùng trước nửa liều và sau đó dùng một liều đầy đủ, cách nhau ít nhất một tháng. Hiệu quả giảm xuống còn 62% khi tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng. 

Sau nghiên cứu mới nhất đầu tháng 2, hãng dược liên doanh Anh-Thụy Điển cho biết vaccine này đạt hiệu quả bảo vệ 76% đối với những trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng chỉ sau mũi tiêm đầu tiên, và hiệu quả này kéo dài tới 3 tháng.  Anh đang áp dụng tiêm mũi thứ hai sau tới 12 tuần kể từ mũi thứ nhất.

"Trong thời gian giữa 2 mũi tiêm, số người tiêm mũi đầu bị mắc COVID-19 giảm khoảng 2/3", ông Andrew Pollard - Giám đốc Nhóm phát triển vaccine của Đại học Oxford cho biết

Vaccine của AstraZeneca, hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford. (Ảnh: Bloomberg)

Có hiệu quả với các biến chủng?

Nam Phi hồi đầu tháng 2 thông báo dừng việc triển khai vaccine của AstraZeneca sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine này ít có hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của SARS-CoV-2.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine này chỉ cung cấp hiệu quả tối thiểu với biến thể COVID-19 xuất hiện ở Nam Phi, còn được biết tới là 501Y.V2 hay B.1.351, vốn chứa đột biến N501Y khiến dịch bệnh này dễ lây lan hơn so với chủng virus ban đầu.

Không lâu sau quyết định của Nam Phi, một quan chức y tế cấp cao của Anh khẳng định không có bằng chứng nào về việc vaccine của Astrazeneca không hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 khiến người bệnh phải nhập viện điều trị hoặc nguy cơ thiệt mạng.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 13/1, ông Wei Shen Lim tới từ Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng của Anh khẳng định dữ liệu về biến thể SARS-CoV-2 ở Anh không cho thấy vaccine của AstraZeneca kém hiệu quả hơn với biến chủng này. 

Video: Lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca đầu tiên cập bến TP.HCM

Trong khi đó, các quan chức y tế thế giới bày tỏ ủng hộ đối với vaccine AstraZeneca trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, coi đây là công cụ quan trọng dù Nam Phi dừng phân phối.

"Còn quá sớm để từ bỏ loại vaccine này. Điều quan trọng là chúng ta tận dụng tối đa mọi công cụ đang có", Richard Hatchett, người đứng đầu Liên minh sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) nói hôm 8/2. 

Giáo sư Salim Abdool Karim, đồng Chủ tịch Ủy ban cố vấn của Nam Phi về COVID-19, không nên sớm đưa ra kết luận rằng vaccine AstraZeneca không ngăn ngừa được virus do biến thể COVID-19 gây ra.

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran bày tỏ tin tưởng vaccine AstraZeneca cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống lại “gần như tất cả các biến thể” của COVID-19.

Lợi thế với vaccine khác

Lợi thế của Astrazeneca là nó được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong 6 tháng. Vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh (-70 độ C) trong khi vaccine của Moderna bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C.

Vaccine của AstraZeneca cũng được đánh giá cao vì nó rẻ hơn và dễ phân phối hơn so với một số vaccine khác. Nó phù hợp để triển khai đại trà, đặc biệt đối với những quốc gia nghèo, kém phát triển.

AstraZeneca cam kết vaccine của họ sẽ được bán không lợi nhuận với giá chỉ vài USD/liều, trong khi hầu hết vaccine của Mỹ đều có giá trên 10 USD/liều.

Đối tượng tiêm 

AstraZeneca khẳng định có thể sử dụng vaccine của họ với các đối tượng từ 18 trở lên. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại vaccine này không có hiệu quả với đối tượng trên 65 tuổi. 

Một công dân Anh tiêm vaccine của AstraZeneca Bệnh viện Churchill, tại Oxford. (Ảnh: Getty Images)

Ủy ban Vaccine thuộc Viện Robert Koch (STIKO) của Đức hồi cuối tháng 1 khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi dù hãng dược này trước đó bác thông tin nói vaccine của mình không hiệu quả với người trên 65 tuổi.

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc mới đây cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. 

Trong khi đó, Hội đồng Y tế Hà Lan thông báo do chức năng của hệ miễn dịch giảm khi độ tuổi cao dần nên hội đồng này nhận định vaccine của AstraZeneca phù hợp hơn với người dưới 65 tuổi. Hội đồng trên lưu ý hiệu quả của vaccine với những người trên 55 tuổi cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng. 

Một số quốc gia khác như Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển cũng giới hạn độ tuổi tiêm vaccine của AstraZeneca. 

Mặc dù vậy, trong khuyến cáo đưa ra cuối tháng 1, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng có thể tiêm vaccine này cho tất cả những người trên 18 tuổi.

Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia WHO khuyến nghị vaccine COVID-19 của AstraZeneca-Oxford có thể được sử dụng cho những người trên 65 tuổi và cũng như những nơi mà các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại đang lưu hành.

Tác dụng phụ 

Tài liệu hướng dẫn của chính phủ Anh cho thấy vaccine của AstraZeneca có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định.

Một số tác dụng phụ phổ biến trong các thử nghiệm lâm sàng được ghi nhận là sốt cao, nhức đầu. Tuy nhiên đây là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch. Nó thường biến mất sau một ngày hoặc lâu hơn. 

Các tác dụng khác gồm có buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ. Các triệu chứng như chóng mặt, chán ăn, đổ mồ hôi thường ít gặp hơn. 

Mỹ từng ghi nhận một vài trường hợp bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine của Moderna, Pfizer. Tuy nhiên, gần như chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào tiêm vaccine của AstraZeneca gặp phải tình trạng này. 

Cơ quan quản lý Anh khuyến cáo vaccine của AstraZeneca an toàn với những người bị dị ứng với thực phẩm hoặc thuốc. Chỉ những người có tiền sử phản ứng với vaccine trong quá khứ mới cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận mũi tiêm. 

Diệu Hoa (Tổng hợp)

Tin mới