Thực tế, khi lưu thông trên đường, nếu có đồng thời hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu, đèn giao thông… mà các hình thức báo hiệu này có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành thế nào là đúng pháp luật?
Theo quy định tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Tín hiệu đèn giao thông; Biển báo hiệu; Vạch kẻ đường; Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng điều tiết giao thông.
Theo quy định tại Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT thì khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Hiệu lệnh của biển báo hiệu.
Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Như vậy, khi hiệu lệnh của cảnh sát giao thông khác với biển báo giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Ngoài ra, khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà 2 biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.
Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.