“Nhà tôi trong một năm chết 2 con chó, 2 con mèo. Chúng chết sau khi được thả chạy lang thang qua các nhà vườn. Hiện tại, vật nuôi trong nhà phải nhốt hết lại. Vật nuôi còn vậy, không lẽ những người ngày ngày làm việc trong nhà lưới, nhà kinh lại không bị ảnh hưởng", chị Ngô Thị Nguyên, người sống gần làng hoa Thái Phiên (phường 12, thành phố Đà Lạt) cho biết.
Theo giáo sư Hoàng Nghĩa Sơn (Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM), hiện nay, Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng phát triển nhà kính, nhà lưới theo phong trào, tự phát mà không có cơ quan nào thẩm định chất lượng, định hướng, quy hoạch. Việc này sẽ gây ra những tác động xấu đối với môi trường.
Nhà kính mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Theo ông Hoàng Nghĩa Sơn, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0, mưa đổ xuống những tấm nylon và đổ ào ào ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ lụt.
“Bạt phá rừng núi để làm nhà kính trồng rau hoa, kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả gánh chịu không chỉ ở nơi có rừng, có nhà kính mà còn cả ở những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số. Ngoài ra mạch nước ngầm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, giáo sư Sơn nói.
Ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận, ở nơi nào có trồng rau, hoa thì nơi đó có nhà lưới, nhà kính.
Ngoài ra, theo ông Sơn, nhà kính nhà lưới phát triển ồ ạt ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người lao động. Nhà kính, nhà lưới chỉ hạn chế sâu hại do đó người dân vẫn dùng thuốc trừ sâu. Mặc dù ít hơn nhiều so với canh tác thông thường, nhưng do trong nhà kín nên thuốc trừ sâu sẽ tồn dư rất lâu ảnh hưởng nặng tới sức khỏe của người lao động khi phải liên tục làm việc trong nhà kính, nhà lưới.
Ông Sơn cho biết, các nước châu Âu và Úc đã bắt đầu tháo dỡ hàng loạt nhà kính nông nghiệp để bảo vệ môi trường, cảnh quan sau khi nhận ra những tác hại của loại hình sản xuất nông nghiệp này. Do đó, cần phải nhìn nhận nhà lưới, nhà kính là mối nguy hại tác động trực tiếp đến ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt là du lịch và đời sống của người dân. Nếu không kịp thời điều chỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sạch, bền vững thì Đà Lạt mất nhiều hơn được.
Những người sống lâu năm ở Đà Lạt đều có thể cảm nhận được những mảng màu xanh của cây cối, rừng núi thuở nào đã dần bị thay đổi thành màu trắng lóa của hàng nghìn nhà kính.
Theo các nhà khoa học, nhà kính, nhà màng bọc, nhà lưới... sinh ra để hạn chế sự thay đổi bất thường của khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì điều này, những vùng đất có khí hậu tốt, thổ nhưỡng lý tưởng, thích hợp để làm nông nghiệp không cần trồng rau, hoa... trong nhà kính. Việc trồng cây trong nhà kính tại đây sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm. Tại những vùng đất tốt, cây sẽ được chăm sóc bởi thiên nhiên, tiếp nhận ánh sáng đầy đủ nên sẽ cho ra thực phẩm chất lượng tốt hơn là trồng trong nhà kính.
Tuy nhiên, tại những vùng đất tốt như Đà Lạt, nhiều người vẫn trồng cây trong nhà kính bởi cho năng suất cao hơn rất nhiều so với trồng bên ngoài. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu thực phẩm của một vùng.
KTS Trần Văn Việt, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng (nguyên phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt), cho rằng sự hấp dẫn của năng suất, doanh thu khiến người dân xây dựng nhà kính tràn lan ở mọi nơi, mọi địa hình mà không quan tâm đến sự đánh đổi về cảnh quan, môi trường sinh thái.
Không chỉ tác động đến sức khỏe, phá vỡ cảnh quan, nhà kính nhà lưới xuất hiện với mật độ dày đặc còn ảnh hưởng tới kết cấu đất trồng. Anh Nguyễn Văn Đạt, chủ một vườn hoa tại làng Thái Phiên cho biết, ban đầu đất ở đây còn cứng và rất nhiều dưỡng chất, dần dần đất bị xốp và không có sự liên kết. Sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, cứ phun thuốc một thời gian lại xuất hiện, không những thế còn có thêm những loại sâu khác nữa.
Nhà kính mọc lên, rừng thông dần biến mất.
Giáo sư Hoàng Nghĩa Sơn (Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM) cho biết, lợi ích của việc trồng cây trong nhà kính, nhà lưới là năng suất nông sản được nâng lên, dễ chăm sóc, kiểm soát môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch và an toàn...
“Trồng cây trong nhà kính tránh được rất nhiều tác động xấu, do đó cũng có thể hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu, giúp sản phẩm thu lại đều là sản phẩm sạch và an toàn. Có thể giảm 50% phân bón, 70 – 80% thuốc bảo vệ thực vật, 50% lượng nước tưới...”, giáo sư Sơn cho biết.
Theo những nhà vườn tại Đà Lạt, từ khi xuất hiện, loại hình nhà kính nhà lưới đã phục vụ đắc lực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, góp phần quan trọng trong việc đưa Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành địa phương kiểu mẫu, tiên phong về năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, khi chưa ứng dụng nhà kính, nhà lưới, Đà Lạt chủ yếu vẫn gieo trồng các loại rau, hoa truyền thống, thì nay hàng trăm giống rau, hoa mới đã được nhập về trồng thành công ở Đà Lạt.
Canh tác trong nhà kính.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, từ giải pháp nhà kính, nhà lưới trên các vùng nông nghiệp, người sản xuất đã chủ động thời vụ, ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết trong canh tác, cho năng suất cao, chất lượng tốt, tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước tưới…
Thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính kết hợp với các công nghệ khác, nhiều doanh nghiệp, nông dân ở Lâm Đồng đã đạt thu nhập hàng tỷ đồng trồng rau, hoa, cao hơn 2 - 3 lần so với cây trồng cùng loại không trồng trong nhà kính. Bên cạnh đó, nhà kính còn góp phần phát triển kinh doanh du lịch canh nông…
Khi phóng viên đề cập việc dỡ bỏ nhà kính nhà lưới, một người dân tại làng hoa Thái Phiên lắc đầu quầy quậy: “Biết là hàng ngày đối diện với sự độc hại nhưng hoa không trồng trong nhà kính không to đẹp, như vậy không cạnh tranh được với các hộ khác, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình”.
Chị Hoàng Thị Nguyệt Ánh, nông dân ở làng hoa Vạn Thành cho biết: “Trước kia, trồng hoa lợi nhuận chỉ đạt khoảng 50-60 triệu đồng/ha/năm thì khi ứng dụng công nghệ nhà kính nhà lưới giá trị này đã là 150-200 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi có cuộc sống ổn định, sung túc, nông sản Đà Lạt có chỗ đứng có công rất lớn của nhà kính trong 15 năm qua”.
Anh Nguyễn Văn Thức, chủ nhà vườn chuyên trồng hoa tại Đà Lạt cũng cho rằng, Đà Lạt có khí hậu hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 6 - 12 thì nhiều gió, độ ẩm rất cao, có khi mưa liên tục cả tháng, nên những loại cây đang canh tác mẫn cảm với độ ẩm, mưa gió, các loại hoa chậu, một số giống hoa lan, vườn ươm giống rau hoa, dâu tây, rau ngắn ngày cần phải trồng trong nhà kính để đảm bảo phát triển hiệu quả.