Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hệ thống tài chính toàn cầu 'dính đòn' khi Nga bị trừng phạt kinh tế

(VTC News) -

Nếu Nga vỡ nợ vì loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây, các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Để phản đối Nga tấn công quân sự vào Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây đã công bố một số biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào tổ chức tài chính và cá nhân ở Nga. Cụ thể, các biện pháp trừng phạt bao gồm: loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT; đóng băng tài sản của các công ty Nga và giới tài phiệt nước này ở khu vực châu Âu.

Các ngân hàng toàn cầu cho rằng những biện pháp này có thể đẩy Nga tới gần hơn với viễn cảnh vỡ nợ. Tuy nhiên, việc các tổ chức tài chính và hoạt động thương mại của Nga bị tổn hại cũng có thể làm gia tăng sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới. 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Nga.

Các ngân hàng thế giới trước viễn cảnh Nga vỡ nợ 

Hiện Nga đang nợ khoảng 100 tỷ USD tại ngân hàng nước ngoài. Nếu nước này vỡ nợ, các ngân hàng có thể rơi vào khủng hoảng.

Nhóm ngân hàng châu Âu là những tổ chức tài chính chịu nhiều tác động nhất từ biện pháp trừng phạt đối với Moskva - đặc biệt là ngân hàng Áo, Pháp và Italia. Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy Nga nợ các ngân hàng của Pháp và Ý khoảng 25 tỷ USD, trong khi khoản tiền chưa thanh toán cho ngân hàng Áo là 17,5 tỷ USD.

Các ngân hàng và tổ chức của Mỹ cũng phải chịu tác động tương tự. Dù Mỹ đã hạn chế giao dịch với Nga kể từ khi có các lệnh trừng phạt liên quan tới việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nhưng chỉ mới tuần trước, công ty Mỹ Citigroup tiết lộ rằng họ có tổng cộng khoảng 10 tỷ USD giao dịch tài chính với Nga.

Bên cạnh các khoản nợ của Nga, các tổ chức tài chính phương Tây còn phải đau đầu với nguy cơ Ukraine cũng sẽ vỡ nợ. Hiện nay, khoản nợ trái phiếu trị giá khoảng 60 tỷ USD của Ukraine rất khó có cơ hội được thanh toán sớm trong bối cảnh xung đột tiếp diễn.

Ngoài vấn đề nợ, nhiều ngân hàng châu Âu có thể bị ảnh hưởng do họ cung cấp dịch vụ ở Ukraine hoặc Nga. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, các ngân hàng Pháp BNP Paribas và Credit Agricole giao dịch nhiều nhất với Ukraine vì cả hai đều có chi nhánh tại đây. Tiếp đó là Société Générale và UniCredit - 2 ngân hàng châu Âu có nhiều hoạt động nhất tại Nga, đồng thời nằm trong số các chủ nợ lớn nhất của nước này.

Tổng kết lại, việc Nga vỡ nợ có thể khiến tất cả tổ chức này chịu thiệt hại lớn. Nếu viễn cảnh trên trở thành sự thật, các ngân hàng châu Âu, Mỹ và Nhật Bản sẽ phải đối mặt với khoản lỗ nghiêm trọng lên tới 150 tỷ USD.

Các ngân hàng không nắm giữ nhiều khoản nợ của Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng về mặt khác. Ví dụ, Thụy Sĩ, Síp và Anh vốn là những điểm đến lý tưởng cho nhóm tài phiệt Nga muốn tích trữ tài sản ở nước ngoài. Khi các cá nhân Nga bị hạn chế, những tổ chức tài chính ở khu vực này đều có khả năng kinh doanh thua lỗ. Điển hình là giá cổ phiếu của các ngân hàng Anh Lloyds và NatWest đã giảm hơn 10% kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu.

Một số công ty kinh doanh dầu ở châu Âu như Shell và BP dự định bán bớt tài sản ở Nga.

Các công ty quốc tế có thể thua lỗ nặng

Ngoài các ngân hàng, cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Nga. Tất cả những công ty cho các doanh nghiệp Nga vay vốn sẽ rất khó để thu lại được số tiền này, đặc biệt là trong bối cảnh đồng rúp mất giá tới 30% và nhiều tổ chức tài chính của Nga bị hạn chế khỏi SWIFT. Theo báo cáo của Reuters, các công ty Mỹ có khoảng 15 tỷ USD giao dịch tài chính với Nga - nhiều khoản nợ trong số này có khả năng không được thu hồi, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho các chủ nợ.

Để hạn chế nguy cơ đó, một số công ty kinh doanh dầu ở châu Âu như Shell và BP cho biết họ sẽ bán bớt tài sản ở Nga. Một số doanh nghiệp khác như Glencore - tập đoàn nắm giữ số cổ phần lớn ở 2 công ty liên kết với Nga là Rosneft và En + Group - đang cân nhắc bán lại cổ phần với giá rẻ.

Tuy nhiên, giải pháp này có thể dẫn đến tình trạng các công ty bán tháo cổ phiếu trong hoảng loạn, gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ thị trường.

Cùng với cộng đồng doanh nghiệp, các quỹ hưu trí cũng đang cân nhắc bán lại tài ở Nga, một trong số đó là quỹ Kế hoạch Hưu trí USS - chương trình hưu trí độc lập lớn nhất của Anh với khoảng 500.000 khách hàng. Tài sản ở Nga của USS trị giá gần 589 triệu USD. 

Xét rộng hơn, nhiều quỹ đầu tư quốc tế không chỉ góp mặt trong số các khoản nợ của Nga mà còn có cổ phần trong công ty Nga. Tất cả những tổ chức này đều có khả năng bị thua lỗ nghiêm trọng.

Những điều trên cho thấy tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine là rất lớn và có thể leo thang trong những tuần tới. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế thế giới vốn đã bị đại dịch COVID-19 làm tổn hại sẽ phải đối phó với nạn lạm phát và nhiều biến động trên thị trường. 

Trần Trang

Tin mới