Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hệ lụy nguy hiểm nhưng ít được nhắc đến từ xung đột vũ trang Nga-Ukraine

Nhiều người bày tỏ lo ngại về khủng hoảng lương thực ở những nơi không ngờ tới trên toàn thế giới sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nga và Ukraine là hai trong số những nhà sản xuất lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và chiến tranh đã dẫn đến việc gián đoạn xuất khẩu. Các lệnh trừng phạt đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, làm tăng giá thực phẩm và giảm nguồn dự trữ.

Gián đoạn trong thu hoạch mùa màng, thiếu hụt nguồn cung phân bón đã đẩy giá lương thực lên cao. Kể từ khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine, giá lúa mì thế giới tăng 21%, lúa mạch tăng 33% và một số loại phân bón tăng giá gần 40%. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu – loại nguyên liệu được sử dụng làm bánh mì, mì ống… Ngũ cốc còn được dùng trong thức ăn cho gia súc, điều này đồng nghĩa với việc giá thịt gà và thịt lợn cũng sẽ tăng.

(Ảnh minh họa: Japan Times)

Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, các nước Trung Đông và Bắc Phi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì và lúa mạch từ Ukraine và Nga. Ngô là mặt hàng quan trọng đối với các thị trường ở Đông Á, châu Âu trong khi dầu hướng dương được phân phối trên khắp thế giới. Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá lương thực cao cùng với tình trạng thiếu nguồn cung đang đặt gánh nặng lên những người vốn dĩ đã thiếu đói và đang phải vật lộn hàng ngày để kiếm tiền ăn.

Mối nguy tiềm ẩn

Những nơi như Iraq, Ai Cập và Lebanon đặc biệt dễ bị tổn thương. Do nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Ukraine và Nga là các quốc gia đa số theo đạo Hồi nên tình hình có thể còn khó khăn hơn trong điểm tháng lễ Ramadan – thường là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao hơn. Một số nguồn ước tính, tiêu thụ bánh mì trong tháng Ramadan thường tăng hơn 60%.

Vì hầu hết các nước nhập khẩu đều thuộc nhóm các nước đang phát triển, nên việc tăng giá có thể ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo. Mặc dù xung đột Nga - Ukraine đã ngay lập tức có tác động tiêu cực đến giá lương thực, nhưng ảnh hưởng trung và dài hạn vẫn chưa thể đánh giá được hết.

Đối với các nước không thuộc châu Âu, xung đột có vẻ xa vời, nhưng trong một thế giới liên kết với nhau, tác động của mọi sự kiện lớn đều có thể cảm nhận được gần như ngay lập tức ở những nơi khác. Xung đột Nga-Ukraine cũng đã làm gián đoạn hoạt động thương mại dầu mỏ, khí đốt và than đá trên thế giới, khi phương Tâp áp các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga - một trong những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chính. Mọi biến động gia tăng của giá nhiên liệu hóa thạch đều đẩy lạm phát lương thực lên cao ở các nước nhập khẩu ròng như Ấn Độ và hầu hết các nước kém phát triển nhất.

Lần thứ ba trong vòng 12 năm, thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực mà không có giải pháp lâu dài nào trong tầm tay. Theo Chương trình Lương thực Thế giới, mỗi đêm có 690 triệu người trên thế giới phải nhịn đói đi ngủ. Nạn đói vốn nhức nhối ở các nước thu nhập trung bình và thấp (còn được gọi là các nước kém phát triển) đã trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 phá hủy sinh kế của người nghèo ở nhiều quốc gia.

Giờ đây, những tác động trực tiếp và gián tiếp của cuộc xung đột Nga – Ukraine thậm chí còn đe dọa khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Sự tăng giá của các mặt hàng lương thực ảnh hưởng nhiều nhất, nghiêm trọng nhất đến các nước đang phát triển, trong đó lạm phát gia tăng ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp người nghèo và trung lưu trên toàn cầu. Hậu quả rõ rệt có thể thấy ở Sri Lanka, Pakistan, một số vùng của Ấn Độ, châu Phi…

Tình trạng thiếu lương thực do xung đột cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, trong đó các nước phát triển chịu ít ảnh hưởng hơn so với các nước đang phát triển.

Trong khi các nền kinh tế phát triển có thể hấp thụ chi phí cao hơn và tìm kiếm các giải pháp thay thế thì các nền kinh tế đang phát triển “mắc kẹt với một số lựa chọn ngoài việc chi trả cho một hóa đơn lớn hơn”. Chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn cho hệ thống sưởi và xăng dầu ngay cả khi một số người, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, phải vật lộn với khó khăn để có được những mặt hàng đáp ứng nhu cầu cơ bản cho cuộc sống hàng ngày.

"Dân chúng sẽ phản ứng khi họ đói... Khi giá thực phẩm tăng cao đến mức họ không thể trả được tiền thuê nhà", Catherine Bertini, cựu giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo.

Hùng Cường (VOV.VN)

Tin mới