Chịu tác động trực tiếp từ đại dịch COVID - 19, thị trường bất động sản Việt Nam đã có 1 quý hoạt động không hiệu quả, các phân khúc đều “ngấm đòn”.
Cụ thể, trong quý I/2020, hàng trăm sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đã phải đóng cửa, các dự án bất động sản không bán được hàng do phải giãn cách xã hội; phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn thì không có người thuê,...
Phân khúc đất nền vốn được coi là kênh đầu tư vua, miễn nhiễm với dịch bệnh, nhưng thực tế, trong quý I vừa qua, phân khúc này cũng đã gặp không ít khó khăn.
Hậu COVID - 19, đầu tư kênh nào an toàn mà không tốn công sức?
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ đất nền diễn ra mạnh tại các thị trường tỉnh miền Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Kiên Giang...
Số liệu vừa công bố của DKRA Vietnam cũng cho thấy, phân khúc đất nền chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác động của COVID - 19. Trong đó, thị trường đất nền TP. HCM ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục cả nguồn cung mới và sức cầu so với năm trước.
Cụ thể, trong quý I, nguồn cung tại thị trường sụt giảm tới 74% so với quý trước và 32% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh ở mức 77% so với quý trước và giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân khúc nhà ở giá rẻ do có nguồn cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế nên được coi là phân khúc đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, do nguồn cùng không nhiều, nên các nhà đầu tư không dễ gì tìm được dự án phù hợp.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng sau dịch.
Sau gần 3 tháng "ngủ đông" do dịch COVID - 18, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã nhanh chóng hồi phục ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát và chính sách giãn cách xã hội kết thúc từ ngày 23/4.
Cụ thể, ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương từ đầu tháng 5 trở lại đây cho thấy, các khu nghỉ dưỡng lớn đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn trong việc tung ra các chương trình kích cầu du lịch trên quy mô lớn. Chẳng hạn, tại Sa Pa (Lào Cai) các khách sạn, homestay, các nhà xe du lịch giảm giá dịch vụ từ 30 - 50%, Sun Group giảm giá cho người dân đi du lịch tại Fansipan hay Bà Nà Hills..
Nhiều khách sạn, homstay đã kín phòng trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Có thể kể đến như quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá). Hơn 1.000 phòng khách sạn và villa tại đây đã kín chỗ với hàng ngàn lượt khách về vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ lễ.
Hay nhiều homestay Đà Lạt như: homestay Thích home và Maroccohome, Đợi Một Người homestay,…cũng kín phòng dịp nghỉ lễ vừa qua. Theo chủ của các homestay này, ngay sau khi chính sách giãn cách xã hội hết hạn, thì lượng khách đặt phòng đã tăng lên nhanh chóng, chỉ trong vòng 1 -2 ngày đã hết số phòng đặt.
Trong báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, đơn vị này cho rằng, mặc dù tác động của đại dịch được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng ngành Dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.
“Thị trường du lịch Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để hồi phục công suất trở lại mức 30% và Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự sau khi đại dịch được kìm hãm”, ông Mauro Gasparotti dự đoán về khả năng vực dậy sau dịch Covid-19 của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
DKRA Vietnam cũng đưa ra dự báo, trong quý II/2020 ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ lên đến khoảng 200 - 300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600 - 800 căn đối với condotel.
Một lợi thế khác của bất động sản nghỉ dưỡng được các chuyên gia chỉ ra là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra văn bản hướng dẫn mới về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Đây được cho là động thái sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản của Việt Nam ngay đầu năm 2020, đặc biệt là dành cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Nếu thông tư hướng dẫn này được chính thức triển khai, sẽ là một cú đỡ, một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh COVID - 19.
Ông Khương cũng cho hay, những người mua căn hộ nghỉ dưỡng khác những người mua căn hộ bán. Mua bất động sản nghỉ dưỡng với họ ngoài lợi nhuận, đó còn thể hiện phong cách sống (nghỉ ngơi cuối tuần), thường họ là những người có tiền bạc rủng rỉnh, thể hiện thương hiệu cá nhân.
Việc bỏ ra 3 tỷ đồng để mua condotel, hàng năm họ thu về 7 - 8% thực ra so với các kiểu đầu tư khác vẫn khá tốt. Với những đối tượng này, ở thời điểm hiện tại, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư an toàn, mà ít tốn công sức.