OpenAI vốn là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2015 và nhận được một số nguồn tài trợ từ CEO Tesla Elon Musk, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và một số nhà đầu tư khác. Thay vì theo đuổi lợi nhuận, OpenAI cam kết phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại. Điều lệ thành lập của đơn vị cũng cam kết từ bỏ cuộc đua phát triển AI nếu một đối thủ cạnh tranh đạt mục tiêu trước.
Sau khi OpenAI đánh bại những game thủ hàng đầu của giải DotA 2 trực tuyến, Elon Musk cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo, nói rằng nó thậm chí còn nguy hiểm hơn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thực tế CEO Tesla không phải là người duy nhất cảnh báo về khả năng gây hại của AI. Năm 2014, thiên tài vật lý Stephen Hawking cũng cho rằng AI có thể kết liễu loài người.
OpenAI bắt đầu công bố những sản phẩm đầu tiên vào năm 2016 với Gym - bộ công cụ phát triển và so sánh các thuật toán học tăng cường (Reinforcement learning). Đến tháng 12/2016, OpenAI công bố một sản phẩm khác có tên Universe với mục đích đào tạo Intelligent Agent (hệ thống phần mềm máy tính có khả năng hoạt động độc lập) trên nền tảng web và gaming.
Chỉ 3 năm sau khi thành lập, Elon Musk rời khỏi đội ngũ điều hành OpenAI. Trong một bài đăng trên blog năm 2018, công ty cho biết CEO Tesla rút lui để "loại bỏ xung đột tiềm ẩn trong tương lai" khi nhà sản xuất ôtô này tập trung vào AI. Dù rời đi nhưng OpenAI cho biết tỷ phú Elon Musk vẫn tiếp tục quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận này.
Tuy nhiên, CEO Tesla sau đó phủ nhận điều này và cho biết ông rời công ty vì bất đồng với hướng đi trong tương lai của đội ngũ OpenAI. Năm 2019, vị tỷ phú viết trên Twitter rằng Tesla cũng đang cạnh tranh để có được một số nhân viên giống như OpenAI, đồng thời nói thêm rằng ông đã không làm việc cho công ty trong hơn một năm qua.
Mối quan hệ giữa Elon Musk và OpenAI liên tiếp gặp vấn đề trong những năm gần đây. Năm 2020, Musk đã nói trên Twitter rằng niềm tin của ông đối với tính bảo mật của công ty này là "không cao". "OpenAI nên công khai hơn nữa", vị tỷ phú tweet về cuộc điều tra của MIT Technology Review với OpenAI. Gần đây nhất, Elon Musk cho biết ông đang tạm dừng quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter sau khi biết công ty này đang sử dụng nền tảng mạng xã hội này để đào tạo ChatGPT.
Năm 2019, OpenAI xây dựng một công cụ AI có thể tạo ra những câu chuyện bịa đặt thuyết phục bằng cách sử dụng các đoạn trích làm điểm khởi đầu. Ban đầu, nó được huấn luyện chỉ để dự đoán từ tiếp theo trong câu. Tuy nhiên, khi quá trình này kết thúc, hệ thống đã có thể bắt chước theo cách hành văn của con người, tự động điều chỉnh nội dung văn bản và hoàn thành chúng một cách liền mạch với đúng độ dài yêu cầu. Phần mềm này được gọi với cái tên GPT-2, được đào tạo từ hơn 40 GB dữ liệu văn bản trên Internet.
Từ cuối năm 2019, OpenAI nhanh chóng thay đổi định hướng phi lợi nhuận và chuyển sang chiến lược mới. Sau khi trở thành CEO OpenAI, Altman nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ CEO Microsoft Satya Nadella sau khi bay tới Seattle để giới thiệu mô hình trí tuệ nhân tạo. Khoản tài trợ khổng lồ giúp OpenAI nhanh chóng xây dựng hạ tầng và tài nguyên cần thiết cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Năm 2021, OpenAI gây tiếng vang với Dall-E, công cụ cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật từ các chuỗi văn bản. Theo nhà nghiên cứu Nate Bennett của Đại học Washington, một trong những điểm mạnh của DALL-E là nó có thể làm mọi thứ con người yêu cầu. “Chỉ từ một câu lệnh đơn giản, nó có thể tạo ra vô hạn mẫu thiết kế khác nhau”, ông nói.
Đầu tháng 12/2022, công ty tiếp tục trình làng ChatGPT, chatbot có thể trả lời người dùng những câu hỏi thú vị liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. ChatGPT đã tỏa sáng trên Internet kể từ khi ra mắt và thu hút một triệu người dùng đầu tiên sau chưa đầy một tuần. Khả năng bắt chước các cuộc trò chuyện như con người của công cụ này đã làm dấy lên suy đoán về tiềm năng thay thế các cây viết chuyên nghiệp. Thậm chí nó còn đe dọa cả hoạt động kinh doanh tìm kiếm cốt lõi của Google.
Sự xuất hiện của ChatGPT khiến các "ông lớn" như Google, Microsoft hay Meta không thể phát triển những dự án AI một cách thận trọng như trước. Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, 6 nhân viên/cựu nhân viên tại Google và Meta thừa nhận ChatGPT đang gây áp lực lên các "ông lớn" công nghệ của Thung lũng Silicon. Nhiều nhân viên yêu cầu Meta tăng tốc quy trình kiểm duyệt AI để tận dụng lợi thế công nghệ. Google, cái tên tiên phong với một số công nghệ nền tảng của ChatGPT cũng đẩy mạnh phát triển, đánh giá và trình làng phần mềm AI. Trong khi đó, Microsoft muốn tích hợp chatbot vào bộ ứng dụng Office.
Ngày 23/1, Microsoft đã công bố khoản đầu tư nhiều năm vào OpenAI. Theo một người giấu tên trong cuộc, giá trị của khoản đầu tư này được ước tính vào khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, phần lớn giá trị nằm ở việc Microsoft sẽ nhận gần một nửa lợi nhuận của OpenAI để đổi lấy việc cấp cho công ty này quyền truy cập vào hệ thống mạng đám mây Azure của Microsoft.