Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hành trình phục hồi của hai mẹ con nhảy từ tầng 9 vụ cháy chung cư mini

(VTC News) -

Hơn 5 tháng sau vụ hoả hoạn, trải qua nhiều lần phẫu thuật, chị Lê Thị Thời và con trai Trần Đại Phong dần ổn định sức khoẻ, cuộc sống.

Gặp biến chứng sau lần mổ thứ 2

Trong căn nhà 4 tầng mới mua trước Tết, chị Lê Thị Thời (SN 1982, Hà Nội) một mình nấu ăn, chuẩn bị bữa tối chờ cậu con trai sắp đi học về. Ngôi nhà này cũng là khởi đầu mới của hai mẹ con chị sau vụ cháy kinh hoàng năm ngoái. 

Chị Thời và con trai Trần Đại Phong (18 tuổi) là hai trong số những nạn nhân vụ cháy chung cư mini ngõ 29 Khương Hạ, Thanh Xuân vào tháng 9/2023. Sau gần một tháng cấp cứu tích cực, sức khoẻ hai mẹ con đều ổn định. Thời điểm mới xuất viện, chị thuê trọ cách trường THPT Hồ Tùng Mậu khoảng 400m để con trai tiện đi học.

Ra viện chưa được bao lâu, cuối tháng 10/2023 tay phải của chị bất ngờ cong và sưng đau. Hình ảnh phim chụp cho thấy nẹp bị lệch, xương ống tay gãy trở lại bắt buộc phải phẫu thuật lần hai. Lần đó, chị phải nằm viện suốt một tuần.

Đến đầu năm 2024, từ khoản ủng hộ của mạnh thường quân và tiền tiết kiệm, chị mua lại căn nhà 4 tầng sẵn nội thất, rộng chừng 15m2, trong con ngõ nhỏ ở phố Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để xây dựng cuộc sống mới. 

Chị Thời và con trai trong căn nhà mới mua đầu năm 2024. (Ảnh: Như Loan)

Một tuần sau khi chuyển vào căn nhà mới, chị tái khám, bác sĩ thông báo tay phải bị nhiễm trùng sau gãy xương. Biến chứng từ lần mổ thứ hai buộc chị phải vào viện để tiểu phẫu hút dịch và điều trị kháng sinh, nếu không cải thiện sẽ phải tiếp tục phẫu thuật lần ba.

“Tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật rất nhỏ, chỉ khoảng 1%, nhưng thật không ngờ lại rơi vào trúng tôi. Hiện tôi vẫn điều trị bằng kháng sinh tại nhà và theo dõi thêm, nếu không hết viêm, sắp tới sẽ đại phẫu lần 3”, chị Thời nói.  

Hàng ngày, chị thức dậy rất sớm, vận động nhẹ nhàng và nấu đồ ăn sáng cho con trai. Chị nấu nướng chủ yếu bằng tay trái, còn tay phải chỉ có thể đỡ hoặc cầm nắm những vật nhẹ dưới 1kg.

Đại Phong trở lại trường học từ giữa tháng 10/2023 trên chiếc xe lăn và đôi nạng. Nhà trường cũng ưu tiên đổi lớp học từ tầng hai xuống tầng một để em tiện di chuyển. Mỗi sáng, Phong được bà ngoại đẩy xe lăn đưa tới trường, đến trưa về nhà, nghỉ buổi chiều.

Từ đầu năm 2024, sức khoẻ cải thiện nhiều, Phong bắt đầu trở lại trường học mà không cần người hỗ trợ, em tự di chuyển bằng xe đạp điện.

Tập đi lại như những đứa trẻ

Mở album điện thoại xem lại những bức hình báo chí ghi lại trong và sau vụ cháy, chị Thời ám ảnh, ngỡ như vừa xảy ra ngày hôm qua. “Tối đó, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì con trai nói “hình như có cháy”, tôi chỉ nghĩ mùi do chập cháy nhỏ. Đến lúc mở cửa ra thì cột khói to đã bao phủ kín hết hành lang”, chị nhớ lại.

Biết không thế chạy xuống dưới tầng, chị quay trở lại nhà ngắt cầu dao diện, khoá bình gas. Lúc này, khói bắt đầu len lỏi vào phòng, bao trùm toàn bộ căn nhà, lô gia phơi quần áo là chỗ trú ngụ cuối cùng của hai mẹ con. Chị chạy vào nhà lấy vật dụng tìm cách phá thanh sắt “chuồng cọp” để thoát thân.

Chị dùng đèn của điện thoại soi xuống sân thượng nhà 6 tầng bên cạnh. Do 2 căn nhà có khoảng trống cách nhau 1m, nên chị phải áng chừng vị trí nhảy sao cho an toàn.

Trong phút giây sinh tử, chị cùng con trai quyết định nhảy từ ban công tầng 9 xuống sân thượng nhà bên cạnh. “Tôi nhảy trước rồi đến con trai. Mọi chuyện xảy ra vỏn vẹn trong khoảng 3 phút”, người phụ nữ nhớ lại.

Chị Thời lúc mới xuất viện, tháng 10/2023. (Ảnh: Như Loan)

Sau khi nhảy khỏi tòa nhà, hai mẹ con chị bất tỉnh, khi cứu hộ tiếp cận, chị bắt đầu có ý thức trở lại và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

PGS.TS Vũ Hoàng Phương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, khoa Gây mê hồi sức và chống đau, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chị Lê Thị Thời vào viện với tình trạng nặng đa chấn thương (chấn thương ngực, chấn thương gãy cột sống, vỡ lồng ngực, vỡ xương chậu và nhiều vết thương khác).

Bệnh viện huy động 6 chuyên khoa để hội chẩn cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn bệnh viện bố trí kịp thời mổ cấp cứu lần 1 xử lý chấn thương cột sống cho người bệnh, sau đó tiếp tục mổ lần 2 để xử lý các chấn thương khác.

Khi vào viện chị Thời tỉnh táo, bác sĩ khai thác được tiền sử bệnh của bệnh nhân do vậy các tổn thương cũng cơ bản được xử lý.

Cú nhảy khiến Đại Phong bị dập gót chân, tổn thương xương chậu điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai suốt 28 ngày.

Lúc mới xuất viện về nhà trọ, mẹ con chị Thời giống như những đứa trẻ, tập ngồi, tập đi lại, sinh hoạt cá nhân cần người hỗ trợ. Cánh tay phải phủ gạc che đi vết sẹo dài sau hai lần mổ cố định ba đoạn xương gãy. Nhờ chiếc đai cố định đốt sống lưng, chị ngồi vững, đi lại được một đoạn ngắn lại phải nghỉ.

Hiện, dù chưa thể vận động mạnh, nhưng chị cũng tự chăm sóc bản thân, cơ thể chẳng chịt vết khâu mổ do đa chấn thương song chị luôn lạc quan, vui vẻ. Chị nói, có được tinh thần như hiện tại là nhờ sự động viên, quan tâm của gia đình, đồng nghiệp và cả những người không hề quen biết đã gửi lời hỏi thăm.

Trước khi gặp nạn, chị Thời làm kế toán cho một công ty chuyên kinh doanh đồ gia dụng. Do thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ kéo dài nên chị khó có thể quay trở lại vị trí công việc trước đây. Chị dự định sẽ bắt đầu lại cuộc sống mới, dành nhiều thời gian ở bên Đại Phong để con có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sắp tới. 

Người mẹ không kỳ vọng con trai học giỏi hay trở thành người xuất chúng, chỉ mong con mạnh mẽ vượt qua biến cố lớn, hoà đồng cùng mọi người và không quên đáp lại tình cảm của những người đã từng giúp đỡ hai mẹ con lúc hoạn nạn.

NHƯ LOAN

Tin mới