Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hành trình người Việt di tản từ nơi xa nhất ở Ukraine

(VTC News) -

Để di tản khỏi vùng chiến sự, nhiều người Việt cố gắng di chuyển vượt quãng đường hơn 1.000 km.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tuần thứ hai. Theo ước tính của quan chức Liên hợp quốc, ít nhất 1 triệu người đã rời khỏi nước này.

Người Việt và hành trình di tản hơn 1.000 km

Một nguồn tin có trách nhiệm trong cộng đồng người Việt tại Kharkov (Ukraine) cho biết ước tính quá nửa người Việt đã di tản khỏi thành phố trong mấy ngày qua.

Tòa thị chính ở Kharkov. (Ảnh: Pavel Dorogov/AP)

Anh cho biết, do lo ngại tình hình chiến sự leo thang, bà con người Việt đã di tản khỏi Kharkov. “Hơn một nửa số gia đình bà con người Việt đã rời thành phố. Mà có thể con số này còn lớn hơn nữa”, anh nói.

Trước đây, Kharkov là thành phố tập trung đông người Việt nhất tại Ukraine với gần 10.000 người sinh sống, làm việc. Nhưng con số trước khi chiến sự nổ ra ước tính chỉ còn trên 1.000 người.

Theo anh, từ tối qua trở về trước, bà con chủ yếu chọn sang Moldova. “Hôm qua, người di tản, trong đó có bà con người Việt mình ra ga tàu đi Odessa, rồi từ đó sang Moldova. Vì số lượng người di tản quá đông nên chính quyền chỉ chấp nhận cho phụ nữ, trẻ em và người già lên tàu. Đàn ông phải quay trở lại”, anh kể.

Tại làng Thời Đại, khu định cư lớn nhất tại Kharkov của người Việt với trên 300 hộ dân, giờ chỉ còn 40 - 50 hộ. Từ sớm nay, bà con tiếp tục di tản, nhưng bằng đường bộ đến Lvov ở phía Tây để từ đó sang Ba Lan, hoặc thành phố Chop thuộc tỉnh Zakarpatsk để từ đó sang Hungary hoặc Romania. “Đi hướng Lvov thì đường tắc cứng nên đa số mọi người chọn Chop”, nguồn tin cho hay. Cũng theo anh, do lo ngại bất trắc trên đường đi nên các gia đình tập hợp thành từng đoàn, mỗi đoàn 5 xe.

Nhiều người từ phía Đông Ukraine đến Lvov. (Ảnh: AP)

Vì là thành phố ở phía Đông, cách biên giới Nga chỉ 40 km nên Kharkov là nơi xa nhất đến những địa điểm di tản. Đến Lvov, bà con phải vượt quãng đường khoảng 1.200 km. Quãng đường này bình thường đã rất xa, lại càng trở nên diệu vợi trong thời chiến đầy hiểm nguy.

Vì vậy, theo đánh giá của nhiều người Việt tại Kharkov, ở lại thành phố vẫn là phương án an toàn nhất lúc này, bởi các khu người Việt sinh sống chủ yếu ở trung tâm thành phố, cách xa khu quân sự, không nằm trong tầm tấn công của quân Nga. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất đối với bà con người Việt là thực phẩm. Các siêu thị đều đã đóng cửa, hết sạch hàng hoá. Lương thực dự trữ trong mỗi gia đình chỉ đảm bảo tối đa trong 1 tháng.

Vì là thành phố ở phía Đông, cách biên giới Nga chỉ 40 km nên Kharkov là nơi xa nhất đến những địa điểm di tản. 

Cộng đồng hỗ trợ nhau bằng mọi cách có thể

Giữa tình hình chiến sự phức tạp, cộng đồng người Việt ở trong và ngoài Ukraine đang cùng các cơ quan ngoại giao và sở tại nỗ lực hết mình để hỗ trợ bà con di chuyển đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa cho biết, hiện tại trong khi chờ các chuyến bay về nước thì cơ quan ngoại giao và hội nhóm cộng đồng người Việt tại địa phương đang tích cực nắm tình hình bà con và bằng mọi phương án hỗ trợ mọi người di chuyển ra khỏi vùng chiến sự.

Ở Odessa có khoảng 3.000 người Việt thì hiện 1.000 người đã di chuyển qua biên giới, “con số mà chúng tôi chưa nắm được chắc vẫn còn”, ông nói. Cộng đồng chủ yếu đến Moldova, Romania. Từ Romania, một số người có thể được hội chữ thập đỏ các nước hỗ trợ nếu đi sang tiếp vào các nước châu Âu như Séc, Hungary,...

“Một số khó khăn là nhu cầu của bà con đang lớn và không phải ai cũng đủ điều kiện để đi xa. Một số bà con sang sớm đã cạn kiệt nguồn tài chính”, ông cho biết. Tuy nhiên các hội nhóm đều cố gắng hỗ trợ bà con về thức ăn, chỗ ở tạm thời và phiên dịch.

Bà con Việt Nam trên đường di tản tại khu vực biên giới Moldova, Romania. (Ảnh: NVCC)

Bà con Việt Nam trên đường di tản tại khu vực biên giới Moldova, Romania. (Ảnh: NVCC)

Bà con Việt Nam trên đường di tản tại khu vực biên giới Moldova, Romania. (Ảnh: NVCC)

“Tất cả bà con di chuyển ra khỏi thành phố bằng xe ô tô dịch vụ hoặc xe buýt được tổ chức theo nhóm, ở biên giới cũng được di chuyển bằng xe bus”, ông nói thêm.

Cơ quan ngoại giao và chính quyền sở tại ở nơi đến cũng tạo điều kiện cho những người tị nạn chiến tranh. “Như tại Romania thì sứ quán Việt có cử người hỗ trợ cho bà con, có những người thất lạc hộ chiếu thì cũng được ghi nhận nhu cầu hỗ trợ...”

Video: Bà con Việt Nam trên đường di tản tại khu vực biên giới Moldova, Romania (Nguồn: NVCC)

Ông Nguyễn Hoàng Linh, chủ biên một tờ báo tiếng Việt, sinh sống tại Hungary, đang tích cực tham gia vào quá trình hỗ trợ cho đồng bào tị nạn từ Ukraine trong những ngày qua cho biết, tình hình chuẩn bị để hỗ trợ người tị nạn tại Hungary đến nay vẫn tương đối ổn.

Hungary là nước có đường biên giới dài hơn 140 km với Ukraine và cũng có nhiều Hung kiều sinh sống tại Ukraine. Trước diễn biến chiến sự, chính quyền Hungary đã ra Nghị định chính phủ cho phép tiếp nhận tất cả những công dân Ukraine hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Ukraine sang Hungary lánh nạn tạm thời. Đã có hơn 100.000 người nhập cảnh Hungary từ Ukraine để lánh nạn chiến tranh.

Gần đây có ngày ông Linh nhận được “cả trăm cuộc điện thoại” hỏi thăm thông tin, thể hiện nhu cầu người Việt đến Hungary sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhất là khi các nước lân cận như Ba Lan có thể gặp tình trạng quá tải hoặc thắt chặt quy định để kiểm soát an ninh.

Trong khoảng 20 người Việt đầu tiên từ Ukraine đến Hungary mà ông có thông tin hoặc tham gia hỗ trợ, có những người đi từ Kiev và có người đi từ các địa điểm gần hơn, thuận tiện về tàu, xe. Ông Linh cho biết, khi nhận thấy nhu cầu của mọi người, các hội nhóm người Việt tại Hungary cùng với các cơ quan liên quan đã thành lập các nhóm chuyên trách, hoạt động tích cực để hỗ trợ đồng bào - người phụ trách thông tin, người phụ trách về thủ tục pháp lý tị nạn, liên lạc với chính quyền Hungary, người phụ trách các đầu mối hỗ trợ ở biên giới.

Cộng đồng người Việt và doanh nghiệp sở tại cũng tham gia vào phong trào ủng hộ nhiệt tình và hỗ trợ cho những người lánh nạn từ Ukraine sang.

“Các hội đoàn cũng ủng hộ người tị nạn nói chung chứ không chỉ ủng hộ cho người Việt. Phong trào giúp đỡ người tị nạn diễn ra mạnh mẽ, ví dụ có những phong trào như cộng đồng cùng đăng ký xem ai có phòng cho người tị nạn đến ở miễn phí...”

Theo ông Linh, đa số mọi người đang định cư hoặc cư trú dài hạn nên nhu cầu cũng không nhiều, nhưng khi bà con nhập cảnh Hungary sẽ được đăng ký nhu cầu để các cơ quan đại diện, đại sứ quán có thể nắm được nếu bà con có nguyện vọng về nước, từ đó hỗ trợ các phương án di chuyển.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều 3/3 cho biết:

"Theo báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn, hiện nay chưa có thông tin về thương vong của người Việt".

Theo bà Hằng, trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, công dân Việt Nam đã sơ tán khỏi vùng chiến sự cũng như ra khỏi Ukraine bằng nhiều con đường khác nhau dưới sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Ukraine cũng như các nước lân cận, các tổ chức hội đoàn địa phương. Ngoài ra, có một số trường hợp tự túc.

Bà Hằng thông tin hiện có khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện đang trên đường tới Romania, 140 người từ Ukraine sang Ba Lan và hiện đang ở Warsrawa. 70 người sang Romania, 33 người tới Slovakia và khoảng 30 người đã tới Hungary.

"Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Ukraine và các địa bàn lân cận liên tục cập nhật thông tin thông qua đường dây nóng bảo hộ công dân, qua các hội đoàn để nắm được nhu cầu của bà con nhằm đưa ra các hỗ trợ kịp thời. Đồng thời hỗ trợ thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con trong quá trình nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú, phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn Việt Nam ở sở tại để đón và thu xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

Bộ Ngoại giao vẫn đang phối hợp các bộ ngành liên quan và các hãng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sơ tán bằng đường hàng không cho công dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên cao nhất hiện nay của Bộ Ngoại giao cũng như các bộ ngành liên quan để sớm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các nước lân cận về Việt Nam.

 

Phương Anh

Tin mới