Bản án phúc thẩm với Hoàng Công Lương và các đồng phạm trong vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình có hiệu lực gần 2 tháng, tuy nhiên mới đây, Bộ Y tế mới cung cấp được chứng cứ mới về nguyên nhân khiến 8 nạn nhân thiệt mạng.
Bộ Y tế khẳng định, nguyên nhân không phải do tồn dư HF như trong kết luận điều tra và cáo trạng mà do hệ thống RO1 hỏng cùng lúc 3 van khiến nước ô nhiễm từ nguồn lọc thô chảy vào bồn nước thành phẩm dùng cho máy chạy thận khiến bệnh nhân nhiễm đa chất.
Bộ Y tế cho biết, thời điểm diễn ra phiên phúc thẩm, những phân tích này được đại diện Bộ Y tế nêu trước toà, song khi đó, Bộ chưa thể đưa ra được bằng chứng khoa học xác thực do chưa làm thực nghiệm.
Sau đó, toàn bộ phân tích này bị HĐXX, TAND tỉnh Hoà Bình bác bỏ với lý do không có cơ sở khoa học và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Bằng chứng bị bán sắt vụn
Sau khi phiên phúc thẩm diễn ra, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia y tế khác quyết tâm phục dựng lại hệ thống nước RO (gồm RO1 và RO2) được lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình thời điểm xảy ra vụ án.
Tuy nhiên làm sao để tìm lại được 2 hệ thống này khi cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình cho phá dỡ và thanh lý trước đó khi chưa thực nghiệm hiện trường.
Hàng trăm mảnh rời rạc của hệ thống RO2 đã được thu thập lại, chuyển về Viện Trang thiết bị và công trình y tế vào đầu tháng 7.
Vậy mà chỉ trong vòng 11 ngày, hàng trăm mảnh ghép rời rạc của 2 hệ thống này được thu thập đầy đủ về sân của Viện để các chuyên gia bắt tay vào phục dựng.
TS Hải chia sẻ, hành trình truy tìm lại hệ thống nước RO của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình chứa đựng nhiều tình tiết trùng hợp ly kỳ không thể lý giải.
Để tìm lại được hệ thống RO2 là nhờ kỹ sư Nguyễn Hồng Quân, chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hệ thống nước, thường hay hợp tác với Viện.
Anh Quân chia sẻ, anh phụ trách khu vực Hoà Bình, cuối tháng 6 vừa qua, anh nhận được điện thoại từ một khách hàng ở huyện Lương Sơn, vùng giáp huyện Kim Bôi, yêu cầu đến lắp đặt một bộ xử lý nước để bán nước sạch cho dân trong vùng.
Khách hàng là người đàn ông dân tộc kiệm lời, nói tiếng Kinh không sõi sống trong ngôi nhà ở vùng heo hút. Người này cho biết, đã mua được một bộ hệ thống xử lý nước cũ với giá rất rẻ nhưng không tiết lộ mua từ ai.
“Nhìn đống đồng nát rời rạc, phủ bụi, tôi không thể hình dung trước đó nó là cái gì nhưng tôi vẫn nhận lời lắp đặt lại cho khách hàng”, anh Quân nhớ lại.
Từng phần của hệ thống vẫn còn nguyên vẹn.
Khi quay trở lại Hà Nội, anh Quân nhận được điện thoại của TS Lê Thanh Hải rằng rất cần một hệ thống nước cũ để làm thực nghiệm khoa học. TS Hải đưa ảnh chụp hệ thống RO tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho kĩ sư Quân, ngay lập tức anh nghĩ ngay đến đống đổ nát bụi bặm của vị khách hàng người dân tộc.
Tuy nhiên, không dễ để đưa được toàn bộ đống đồng nát đó về Hà Nội. Vị khách hàng khi biết có người cần đã nâng giá nên phải mất 1 tuần thương thảo, làm công tác tâm lý, chủ nhà mới đồng ý bán. TS Hải bỏ tiền túi để mua lại toàn bộ hệ thống này.
Ngày 3/7, xe ô tô từ Hà Nội chạy thẳng lên Lương Sơn chở “đống sắt vụn” về Viện, đầy đủ hệ thống dây 3 pha, đồng hồ đo độ dẫn điện, đường ống, máy bơm, tank nước, hệ thống quả lọc vẫn còn nguyên số serie, trùng khớp với các thông tin của hệ thống RO2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên vẫn còn thiếu hệ thống RO1.
Sau khi tìm hiểu, TS Hải được biết hệ thống này vẫn chưa thanh lý, đang nằm đắp chiếu trong kho của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Viện đã đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản gửi bệnh viện để mượn hệ thống RO1.
Ngay trong ngày 11/7, hệ thống RO1 tiếp tục được tập kết về viện với hàng trăm mảnh rời rạc.
Sẽ tiếp tục thử nghiệm trên động vật
Trong 2 tuần liên tục sau đó, TS Hải cùng kỹ sư Quân và 2 kĩ sư chuyên ngành nước, 3 kĩ thuật viên về điện làm việc liên tục xuyên trưa để lắp ráp lại hệ thống thông qua bản vẽ của Bùi Mạnh Quốc (người được thuê bảo trì hệ thống lọc nước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và các hình ảnh chụp lại trước khi hệ thống bị phá dỡ.
TS Hải dành hẳn 1 phòng trong khuôn viên Viện để lắp đặt hệ thống này.
TS Hải phân tích hệ thống trước khi chạy thực nghiệm để phóng viên chứng kiến. (Ảnh: T.Hạnh)
“Lắp xong xuôi, anh ấy khoá cửa kỹ lắm, thậm chí còn đổi khoá nên bọn tôi không vào được, mãi sau này mới biết mục đích của anh ấy là để thực nghiệm lại vụ án”, kỹ sư Quân nhớ lại.
Sau rất nhiều lần thực nghiệm, sáng 5/8, TS Hải mới mời báo chí đến để tận mắt thấy toàn bộ hệ thống RO phục dựng hoàn thiện và làm thí nghiệm để phóng viên chứng kiến.
Theo đó, nguyên nhân thực sự khiến 8 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng là do hỏng 3 van ở hệ thống RO1 chứ không phải tồn dư hoá chất trong đường ống. Bản thân Bùi Mạnh Quốc chỉ thực hiện lau rửa màng lọc RO2 và tiệt khuẩn đường ống tuần hoàn cấp nước cho các máy thận, sau đó đã thay van xả đáy bồn nên không còn tồn dư hoá chất.
Hệ thống RO của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình được phục dựng nguyên vẹn trong căn phòng của Viện Trang thiết bị và công trình y tế. (Ảnh: T.Hạnh)
Bằng chứng, đồng hồ đo độ dẫn điện hiển thị chỉ số cho phép. Hiện tại, sau khi phục dựng lại, đồng hồ này vẫn vận hành rất tốt, đo chính xác.
Theo TS Hải, đây là những bằng chứng quan trọng nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ trong quá trình điều tra. Trước đó, Viện khoa học hình sự tìm ra 3 van hỏng nhưng chỉ dừng lại ở đây mà không chạy thực nghiệm để tìm nguyên nhân thực sự.
Hiện tại, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế thành lập hội đồng khoa học và sẽ tiếp tục thực nghiệm lại toàn bộ chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc dựa trên các tài liệu từ kết luận điều tra về hoá chất, độc chất, thậm chí sẽ thử nghiệm trên động vật với sự tham gia của các chuyên gia về trang thiết bị y tế, pháp lý, pháp y, hoá chất và y khoa.