Cáp treo xuyên qua mây mù, gần lên đến đỉnh Fansipan, những vạt đỗ quyên đã lác đác nở, khi ẩn, khi hiện trong sương mây.
“Đẹp quá”, nhiều du khách thốt lên. “Cáp treo này chắc Tây nó làm chứ Việt Nam sao mà làm được nhỉ?”. “Là Việt Nam làm đấy”. “Thế thì cũng kinh đấy, rừng rú, núi dốc ngược thế kia, mắc được cái cáp lên kể cũng tài thật”. “Chắc phải dùng trực thăng chứ nhỉ?”...
Những câu hỏi của du khách lẫn trong tiếng loa phát thanh giới thiệu về Khu du lịch Sun World Fansipan Legend.
Thoắt cái, đã 5 năm kể từ ngày Sun Group khánh thành tuyến cáp treo nối đất với trời, anh Trịnh Văn Hà, Đặng Ngọc Hồng và đồng đội mới trở lại Sa Pa.
Cáp treo Fansipan “bay” qua thung lũng Mường Hoa.
“Mọi thứ đổi thay nhiều quá rồi”. Sa Pa giờ không còn heo hút như cái ngày anh kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà vác ba lô đằng đẵng 8-9 tiếng trên xe từ Hà Nội lên Fansipan. Những câu chuyện giữa hai gã trai từng ăn sương ngủ núi ngày nào cứ nối mạch tuôn trào, trên cabin cáp treo – thứ mà họ từng không ngừng tự hỏi “liệu có thể làm nổi không và bao giờ mới xong?”, khi đứng từ chân núi nhìn lên, không biết đâu là đỉnh Fansipan mà họ phải mắc cáp treo tới.
“Ban đầu, Ga đi cáp treo dự định xây ở Sín Chải. Nhưng ở đó, nếu chọn đặt Ga đi thấp quá, khách sẽ không nhìn thấy được vẻ đẹp của thung lũng Mường Hoa. Còn nếu đặt ở vị trí cao, sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan hoang sơ. Vị trí Ga đi hiện tại đủ cao để du khách ngắm thung lũng, đủ thấp để không phá vỡ cảnh quan quá đẹp của dãy Hoàng Liên” - chuyện chọn vị trí đặt Ga đi, Ga đến, và các trụ cáp treo, đến giờ anh Trịnh Văn Hà vẫn nhớ rõ lắm. Bởi các anh đã phải leo đủ 5 ngọn núi quanh đỉnh Fansipan vài lần trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
“Cái lán vẫn còn kìa. 700 nghìn/đêm đấy”- anh Đặng Ngọc Hồng chỉ về cái lán lấp ló dưới tán rừng, nhắc lại ký ức về những ngày đầu leo Fansipan không kịp về lại thị trấn khi trời tối, người dân tộc tính phí ở lán một đêm còn hơn cả khách sạn 3 sao. Nỗi sợ hãi khi bị lạc trong đêm giữa rừng thẳm Hoàng Liên bất giác khiến anh rùng mình.
Đoàn kỹ sư Sun Group đi khảo sát Fansipan năm 2013.
Từ cabin cáp treo nhìn về dãy núi bên kia, chỉ thấy những cây cột điện 35kVvút lên khỏi rừng, cảm giác bồi hồi dội lại trong anh. Ngày đó, cứ sáng sáng, “đàn kiến người” (dân bản địa được thuê vác nguyên vật liệu lên núi xây các trụ điện- PV) lại cần mẫn vác nào xi măng, sắt thép... cứ dọc sống lưng núi mà leo lên. “Có thời điểm, 400-500 đồng bào người dân tộc H’mông (Sa Pa) và Thái (Lai Châu) được huy động để đẩy nhanh tiến độ thi công”- anh Hồng kể.
Không có tuyến đường điện 35kV đó, không có cáp treo Fansipan bây giờ. Làm đường điện lên đỉnh cũng gian nan không kém làm cáp treo.
Ngày đó, hành trang mà anh Trịnh Văn Hà mang theo đến Fansipan là sự dày dặn từng trải của gã trai đã từng tham gia 2 tuyến cáp treo lập kỷ lục thế giới ở Bà Nà. Nhưng tất cả dường như không giúp được gì nhiều, có chăng, chỉ là chút kinh nghiệm đi rừng, mà rừng ở Fansipan khác xa rừng Bà Nà.
Đá nguyên khối được vận chuyển lên đỉnh Fansipan bằng sức người.
Những ngày đầu đến Sa Pa, cảm giác háo hức nhanh chóng nhường chỗ cho sự ...hoài nghi. Cái rét thấu xương trên đỉnh như kim đâm xuyên vào da thịt. Buông điện thoại sau những cuộc gọi về nhà chóng vánh, anh tự hỏi: vì sao mình nhận lời sếp đến chốn rừng thiêng nước độc này chứ? Hay là, cùng lắm thì về quê?
Hỏi, để tự trả lời mình rằng: không được bỏ cuộc.
Ba tháng trước giai đoạn 30/4/2015, mỗi ngày, anh Nguyễn Khắc Tưởng, đội trưởng đội bảo dưỡng cáp LCS, ký giấy cho cả nghìn người vào Vườn quốc gia Hoàng Liên để làm việc cho công ty cáp treo, cuối cùng chỉ khoảng 100 người có thể trụ lại.
Đến giờ, những đêm tuyết rơi dày đặc phải ngủ lại ở trụ T4 vẫn còn ám ảnh Tưởng. “Lúc nào cũng phải có một cái que bên cạnh, thỉnh thoảng lại phải bật dậy nhòm xem bạt đã trũng chưa để lấy gậy chọc cho tuyết rơi xuống, không thì lán sẽ sập”. Đặt lưng là ngủ ư? Giấc ngủ của những người leo rừng, trèo núi suốt ngày chưa khi nào dễ như mọi người nghĩ.
Những đêm mưa gió, hơn mười gã trai chui vô cái lán dựng thấp như lều gieo mạ ở quê, nửa ngồi, nửa nằm chờ trời sáng, thấp thỏm sợ lũ cuốn đi. Rắn, vắt, những bữa cơm nửa sống nửa chín, những ngày lũ chia cắt, lương thực không chuyển lên núi được, ăn mỳ tôm sống cầm hơi… Suốt cuộc đời này chẳng ai trong các anh có thể quên được Fansipan ngày đó.
“Lều vịt” tránh mưa nắng của kỹ sư, công nhân xây dựng trên đỉnh Fansipan.
Sự khắc nghiệt của đỉnh cao 3143m là một phép thử với Sun Group và cả các chuyên gia nước ngoài. Sau rất nhiều khảo sát, kết quả đều cho thấy với một địa hình dốc đứng, cáp treo một dây sẽ không thể trụ nổi trước những cơn gió giật có thể lên tới cấp 12 ở Fansipan. Và phương án các chuyên gia cáp treo Doppelmayr đưa ra là cáp treo ba dây- công nghệ mà các kỹ sư Sun Group chưa bao giờ thử.
“So với cáp treo một dây, bên cạnh giá thành thi công tăng vọt thì việc thực hiện phức tạp hơn rất rất nhiều lần. Cáp treo 3 dây đòi hỏi độ chính xác rất cao với dung sai cho phép chỉ 2,5mm - một yêu cầu vô cùng khó, cần rất nhiều thời gian để có được phương án thi công phù hợp”- kỹ sư Trịnh Văn Hà kể.
Và Sun Group chọn phương án ba dây.
Vì sao vậy? Các anh có thể vẫn giữ phương án một dây vốn đã thành công ở Bà Nà?
Vì sự an toàn của du khách. Trong điều kiện gió lớn, cáp 3 dây vẫn có thể vận hành êm ru để đưa khách lên đỉnh hay về ga đi.
Và vì sự an toàn của rừng Hoàng Liên. Sử dụng công nghệ cáp 3 dây, số lượng trụ cáp sẽ ít hơn hẳn, và đây sẽ là giải pháp gây ảnh hưởng ít nhất đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
“Giảm thiểu tối đa sự can thiệp vào môi trường khi đó là tiêu chí tiên quyết”, anh Đặng Ngọc Hồng khẳng định lần nữa những lý giải của kỹ sư Trịnh Văn Hà.
Quyết định bất chấp tốn kém, khó khăn. Lựa chọn làm thủ công để không ảnh hưởng đến môi trường. Sun Group đã đặt ra cho những kỹ sư của mình một bài toán khó, và khiến chính các chuyên gia của Doppelmayr cũng nghi ngờ.
Chênh vênh thi công cáp treo Fansipan.
Ban đầu, lúc kéo cáp công vụ gần xong, nhà ga dịch vụ cơ bản mới xong phần móng. Chứng kiến hình ảnh công nhân Việt đào thủ công, các chuyên gia ngoại nhận định, phải mất 5 năm, công trình này mới nên hình hài.
Vậy mà, chỉ sau hơn 2 năm, cáp treo Fansipan đã chính thức khánh thành, trong vỡ òa sung sướng của những con người ăn gió, ngủ sương, biến mình thành “tarzan” nhiều tháng trời trong rừng. Giờ nhìn lại, họ vẫn tự hỏi, không hiểu sao ngày đó, mình có thể vượt qua. Nhưng có một điều chắc chắn mà các anh biết, đó là sự đùm bọc, yêu thương, là tình đồng đội trong gian khó đã tạo nên động lực để đội quân Fansipan ngày ấy chinh phục đại ngàn, làm nên một công trình để đời.
“Ngày qua ngày, những nỗi khiếp đảm đã trở thành điều bình thường. Yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia từ miếng cơm, điếu thuốc, tấm áo ấm là những điều sau cùng đọng lại”, anh Trịnh Văn Hà bùi ngùi.
Cáp treo tới Ga đến. Trong số những vị khách ồn ào làm sao có thể xây được cáp treo Fansipan kia, chẳng rõ có ai kịp hiểu người Sun Group các anh đã kéo cáp bằng tay, lần theo đường rừng, chứ không phải kéo bằng trực thăng như các chuyên gia Doppelmayr vẫn làm.