Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hành trình 'khởi nghiệp' và tương lai của nhà mạng viễn thông di động đầu tiên 

(VTC News) -

30 năm trước, MobiFone – mạng di động đầu tiên của Việt Nam “khởi nghiệp” với một tổng đài 2.000 số và 7 trạm BTS tại Hà Nội.

Nhà mạng viễn thông di động với sứ mệnh tiên phong ấy nay sở hữu hàng chục triệu khách hàng thân thiết, phủ sóng toàn quốc, và hướng tới mục tiêu đến năm 2030, trở thành Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Việt Nam.

“Khởi nghiệp” trong gian khó

Tổng công ty Viễn thông MobiFone – tiền thân là Công ty Thông tin Di động VMS được thành lập ngày 16/4/1993. Đây chính là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam khai thác dịch vụ thông tin di động với thương hiệu quen thuộc với cả triệu người dùng hiện nay – MobiFone.

Những năm 90, thời điểm đất nước vừa mở cửa sau thời kỳ bao cấp, việc sở hữu một chiếc điện thoại di dộng đối với người dân là điều gần như “không tưởng”. Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, MobiFone đã tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng nền tảng của viễn thông di động, tạo điều kiện để dịch vụ viễn thông di động trở nên phổ biến như “cơm bình dân”.

GS.TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) – một trong những người tâm huyết thành lập nên MobiFone – nhớ như in thời điểm gian khó lúc MobiFone ra đời.

Ông Tá kể, thời điểm những năm 1986-1990, cơ sở hạ tầng viễn thông vừa nghèo nàn, vừa lạc hậu, mỗi xã chỉ có 1 máy điện thoại và đa phần để ở ủy ban. Sang những năm 90, bắt đầu có hơi hướng của kinh tế thị trường, nhu cầu liên lạc bằng điện thoại một cách nhanh nhạy, phổ biến đặt ra rất cấp thiết.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngành bưu điện bắt đầu thử nghiệm hệ thống thông tin di động GSM ở Hà Nội. Song để làm thành công, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện xác định tự đứng ra sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí bất khả thi. Do vậy cần thành lập một doanh nghiệp độc lập để có thể liên doanh, liên kết được với nước ngoài.

Vấp phải không ít khó khăn, quyết định này cũng chưa hề có tiền lệ và bị đánh giá là mạo hiểm với khả năng chết yểu cao nhưng theo ông Đỗ Trung Tá, năm 1993, VMS-MobiFone đã được ra đời với nỗ lực từ nhiều bên. Đến năm 1995, VMS-MobiFone hợp tác với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển), đánh dấu sự phát triển mang tính nền móng cho ngành viễn thông di động Việt Nam.

Những người kỳ cựu trong ngành viễn thông đều nhớ, MobiFone khi ra đời đứng trước những thách thức rất lớn. Chưa kể đến sức ép cạnh tranh, ở thời điểm đó, hạ tầng viễn thông còn lạc hậu, thông tin di động còn là khái niệm xa lạ với đa số người tiêu dùng.

Trong hai năm đầu tiên, MobiFone vấp phải nhiều khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng. Nhà mạng này ban đầu chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng 4 địa phương TP.HCM, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu.

Tuy nhiên, nhờ tận dụng hiệu quả nguồn vốn và kinh nghiệm của đối tác nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như học hỏi chiến lược kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, sau này, hợp đồng hợp tác MobiFone và Comvik được đánh giá là một trong những hợp đồng hợp tác kinh doanh có hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, MobiFone với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, có cách thức và chất lượng phục vụ khách hàng rất “ngoại”, hình ảnh thương hiệu đẹp, chuyên nghiệp và gây ấn tượng.

Nhân viên MobiFone đang giới thiệu về sản phẩm cho khách hàng.

Chính thức được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Được xác định là một trong 3 doanh nghiệp viễn thông chủ lực của Việt Nam, đây là tiền đề quan trọng cho những đóng góp của MobiFone sau này.

Hành trang vững vàng đến tương lai

Kể từ khi mạng di động đầu tiên tại Việt Nam – MobiFone – đi vào hoạt động, đến nay ngành thông tin di động Việt Nam trải qua chặng đường dài. Trong suốt hành trình 30 năm qua, MobiFone đã vượt qua nhiều sóng gió để giữ vững là một trong những nhà mạng hàng đầu Việt Nam. Hiện nay MobiFone sở hữu số lượng lớn lên đến hàng chục triệu khách hàng thân thiết và được xếp hạng cao bởi nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.  

Trong đó, về chăm sóc khách hàng, từ khi ra đời cho đến nay, MobiFone luôn được đánh giá là có chất lượng dịch vụ tốt nhất trong ngành thông tin di động. MobiFone trong nhiều năm liên tiếp được nhận giải thưởng "Nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về chất lượng chăm sóc khách hàng băng thông rộng di động".

Những thành tựu đáng tự hào của MobiFone được thể hiện qua những con số thuyết phục. Theo báo cáo, năm 1993 – năm đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng, MobiFone đã đạt được doanh thu 53,74 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8,9 tỷ đồng và đóng góp cho ngân sách nhà nước 1,16 tỷ đồng.

Những năm sau đó, MobiFone luôn là doanh nghiệp giữ vững được nhịp độ tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu giai đoạn 2012 – 2021 đạt khoảng 349 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho Ngân sách nhà nước hơn 52 nghìn tỷ đồng, là một trong số những đơn vị hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh và mục tiêu của Chính phủ giao phó.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa qua làm thay đổi xu thế, nhu cầu thị trường. Thị trường viễn thông truyền thống trở nên bão hoà. Mobile Money, mạng 5G, Trí tuệ nhân tạo AI hay Internet vạn vật IoT… là những xu thế đã và đang định hình ngành viễn thông mới.

Để vượt sóng, MobiFone xác định phải mau chóng bắt kịp cơ hội, kịp thời mở rộng dịch vụ sang các mảng khác để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời xác định chuyển đổi số sẽ là “chìa khóa” vượt sóng bão hòa, MobiFone có những bước chuyển mạnh mẽ, chuyển đổi công nghệ, tập trung chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số, mục tiêu hướng đến các sản phẩm và dịch vụ số mới.

Theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021–2030, MobiFone quyết tâm phát triển thành doanh nghiệp công nghệ số có hạ tầng số chủ lực, hàng đầu quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số Việt Nam; thực hiện tốt vai trò cung cấp hạ tầng, giải pháp và dẫn dắt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kết nối di động/AI/IoT/Blockchain..., đến năm 2030 sẽ mở rộng hệ sinh thái về công nghệ, phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

MobiFone quyết tâm phát triển thành doanh nghiệp công nghệ số có hạ tầng số chủ lực, hàng đầu quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số Việt Nam.

MobiFone là doanh nghiệp đi đầu trong việc lấy khách hàng làm trung tâm, lấy công tác chăm sóc khách hàng làm thước đo chất lượng của doanh nghiệp. MobiFone cũng là mạng di động đi tiên phong trong các chính sách chăm sóc khách hàng, tiêu biểu như chương trình Kết Nối Dài Lâu là chương trình chăm sóc khách hàng bài bản và uy tín của nhà mạng.

Trên tinh thần phát huy thế mạnh cốt lõi là nhà cung cấp hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ, tối ưu nguồn lực, triển khai mô hình kinh doanh theo hướng nhanh, hiệu quả, tạo ra năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới MobiFone sẽ tập trung đầu tư phát triển và kinh doanh các nền tảng (platform) thông qua công nghệ mới, khai thác công nghệ như một loại dịch vụ (technology as a service) để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú thêm trải nghiệm người dùng.

Về thương hiệu, MobiFone lọt top 500 doanh nghiệp lợi nhuận lớn nhất Việt Nam 4 năm liên tiếp 2018-2021; Thương hiệu mạnh Việt Nam các năm 2017, 2018, 2019 và 2021 do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức. Nhà mạng này cũng lọt Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp 2019-2021 do tạp chí Forbes VN xếp hạng…

Về lĩnh vực kinh doanh, chuyển đổi số, MobiFone cũng nhận được hàng loạt giải thưởng uy tín. Trong đó, nằm trong TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 3 năm liên tiếp 2019-2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức cùng nhiều sản phẩm đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020-2021 do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức. 

Bảo Anh

Tin mới